Bài chòi Bình Định giữ mạch nguồn ngàn xưa

Cập nhật: 07/11/2022
Đêm đêm ở một số làng chài Bình Định, thi thoảng người ta lại nghe giọng một anh hiệu nào đó vang lên. Chính các diễn viên không chuyên này đã góp phần níu giữ những di sản của cha ông từ khi đi mở cõi.

Trẻ con cũng tham gia chơi bài chòi. Ảnh: Trần Đăng

Bây giờ mà đi tìm ngọn nguồn câu chuyện để trả lời câu hỏi “bài chòi bắt đầu từ đâu?” là cả một kỳ công. Bởi nó là sự tiếp biến và kế thừa những tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật hát xướng để rồi định hình thành một thể loại riêng biệt mà một khi cất lên nơi thôn cùng xóm vắng giữa đêm hôm, tất cả đều thừa nhận đó là “bài chòi” chứ không phải hát hố hay hát bội, càng không phải hò khoan ba lý hay một làn điệu dân ca nào ở miền Trung này.

Mê mẩn bài chòi

Nói về sự quyến rũ của bài chòi, vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi tồn tại câu ca dao này: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Một bà mẹ trẻ, có con nhỏ mà mê bài chòi đến mức để nó khóc đến “lòi rún ra” như thế thì quả là không có “món” nào hấp dẫn hơn.

Còn ở Bình Định lại có cách diễn đạt khác: “Tết về nhàn rỗi phải chơi/ Bài chòi mộ điệu nơi nơi chào mừng/ Kẻ kêu người hú tưng bừng /Nghe tiếng trống giục tay bồng con thơ/ Mặc cho đụng bụi đụng bờ/ Để coi năm mới, hiệu hô câu gì”.

Người mẹ trẻ ở Bình Định mê bài chòi, chỉ cần nghe tiếng trống giục là “vác” con chạy ra sân bãi để hòa vào hội chơi. Mà cái hội đó, người được khán giả mê nhất vẫn là “anh hiệu”.

Anh hiệu quyết định tính hấp dẫn của cuộc chơi bằng điệu bộ, bằng giọng hát, với tài nghệ xử lý tình huống mỗi khi cầm con bài lên hô. Hô làm sao đó phải hợp với ngữ cảnh để mỗi khi anh xướng lên, người chơi đều òa vỡ bởi những câu hóm hỉnh, thông minh.

Mời rượu người trúng thưởng. Ảnh: Trần Đăng

Thử nghe một câu mở màn cuộc chơi của anh hiệu để hiểu vì sao các chị các bà mê mẩn đến vậy: “Tối qua tôi đi ra gò/ Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe/ Bà con cô bác lắng nghe/ Hội bài chòi đã mở, câu hò vè vang lên”. Tả cảnh “sex” của đôi trai gái ngoài gò để mở đầu cuộc vui như thế thì tài quá, phải chen vô mà nghe, mà chơi thôi, con khóc cũng kệ.

Hoặc khi bốc trúng con Bát Bồng, anh hiệu có câu tương ứng: “Em ơi! Chầu rày đã có trăng non/ Để anh lên xuống có con em ẵm bồng”. Vừa hát, mắt anh hiệu lúng liếng đưa tình về phía bạn diễn là một thôn nữ xinh đẹp, như thể chính anh là người đang “tán gái” chứ không phải đang hát bài chòi.

Chị Minh Đức, nghệ nhân nổi tiếng hát bài chòi ở Phù Cát nói lý do chị theo nghiệp này: “Cả cha mẹ tôi đều là những nghệ nhân hát tuồng. Lúc nhỏ tôi cũng mê tuồng nhưng khi bắt đầu tiếp xúc với bài chòi, “mê” cách diễn, cách làm trò của anh hiệu quá nên bỏ tuồng mà theo bài chòi cho đến bây giờ”.

Còn chị Minh Liễu, một nghệ nhân hát bài chòi nổi tiếng khác ở Bình Định thì nhớ lại lúc chị lên chín lên mười: “Cả nhà tôi đều mê bài chòi và cũng là những “diễn viên”. Cứ mùa vụ xong, cả nhà bắt đầu “lên đường”.

Cũng loanh quanh trong huyện Phù Cát, An Nhơn chứ không đi đâu xa. Không làm chòi như hội vui xuân, chỉ là “hát chiếu” trên sân bãi nhưng bà con coi đông lắm. Họ thương quý nên kẻ cho buồng chuối, người cho bó rau, ang gạo...

Giữ mạch nguồn 

Ngoài khu đất rộng ngay sân bay cũ mà ngành văn hóa đã chọn để dựng chòi rồi hát, phục vụ du khách gần xa mỗi khi ghé Quy Nhơn, ở Bình Định hiện có hàng chục câu lạc bộ bài chòi. Hầu như xã phường nào cũng có câu lạc bộ này.

Từ sân diễn là ở các đình làng, có dựng chòi cho người chơi trong mỗi dịp tết đến, bài chòi ở Bình Định dần thoát ra khỏi các “chòi” để “trải chiếu” ra mà hát. “Hình thức này vừa thuận lợi cho người chơi, tức là không phải dựng chòi tốn công, chỉ chiếc chiếu là đủ, lại cơ động, chỗ nào cũng được miễn có không gian thoáng đãng” - nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Pha - nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định nói về việc “thoát thai” của bài chòi.

Cũng theo ông Pha, để tạo nên tính hấp dẫn và “giữ lửa” cho bài chòi, bên cạnh việc sử dụng những ca từ phổ biến lâu nay, người chơi còn sáng tạo những câu mới mang tính “thời sự”, sát hợp với cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà bài chòi luôn “sống khỏe” ở Bình Định. Chẳng hạn như câu này: “Ngày xưa em mặc áo the/ Em đi lễ hội để nghe bài chòi/ Bây giờ em lại đua đòi/ Em mang giày cao gót để lòi lưng ra”!

Bài chòi còn được tác giả sáng tác kịch bản hoặc dựng lại từ những câu chuyện cổ như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, nghĩa là, bài chòi thoát hẳn khỏi các chòi và bước lên sân khấu. Mỗi hình thức đều có tính hấp dẫn riêng nhưng hồn cốt của bài chòi thì không mất được.

Trần Đăng

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 06/11/2022