Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 cây di sản. Mỗi cây di sản được vinh danh là niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và bề dày truyền thống của từng địa phương. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy giá trị cây di sản là việc làm cần thiết, góp phần bảo vệ nguồn gen quý và văn hóa làng quê của người Việt.
Vẻ đẹp cổ kính, uy nghi của cây đa di sản tại sân đình Hội Thịnh, thôn Quang Trung, xã Hợp Thịnh (Tam Dương). Ảnh: Kim Ly
Làng cổ Ốc Trù xưa (nay là Hợp Thịnh, huyện Tam Dương) được biết đến có cả quần thể cây cổ thụ có tuổi đời từ 70-100 tuổi, được tập trung ở 3 khu vực đó là chùa Động Lâm, đình Hội Thịnh và khu Cầu Mới.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, do biến đổi khí hậu và tác động của thiên nhiên, cây Gạo và cây Trôi bị sét đánh. Hiện còn tồn tại duy nhất trong quần thể có cây đa với hơn 100 tuổi nằm trong khuôn viên đình Hội Thịnh. Cây đa đình Hội Thịnh có dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính với 1 thân, 9 cội, xum xuê tỏa bóng mát bên sân đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý của làng.
Ông Phùng Đắc Bằng, Trưởng Ban di tích đình Hội Thịnh cho biết: “Người dân làng Hội Thịnh tâm niệm, cây đa mang đến yên vui, no ấm cho địa phương. Vì vậy người dân địa phương luôn có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây đa.
Hằng năm, dân làng cùng nhau khơi thông, tạo hốc chứa nước nơi gốc cây; trồng thảm cỏ vừa tạo cảnh quan, vừa làm mát gốc, rễ cây; cắt tỉa cành gọn gàng, hợp lý, diệt các loài tầm gửi sống nhờ thân cây, đảm bảo cây quang hợp và phát triển tốt.
Vì vậy, hơn 100 năm qua, cây đa vẫn phát triển xanh tốt, tạo nên bầu không khí trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây cũng là nơi để người dân nghỉ ngơi, họp mặt, chia sẻ tình cảm sau những giờ lao động mệt nhọc, tạo sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong vùng.
Vừa qua, Hội đồng Cây di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) quyết định công nhận cây đa tại đình Hội Thịnh, thôn Quang Trung, xã Hợp Thịnh là cây di sản Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương bởi, đây là cây cổ thụ được nhân dân bảo vệ, coi như báu vật của làng từ bao đời nay.
Vĩnh Phúc hiện có gần 20 cây di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh gồm: Cụm 3 cây đa, trôi, bồ đề (xã Tân Phú, Vĩnh Tường); cây lộc vừng và 2 cây bồ đề (xã Sơn Đông, Lập Thạch); cây đa, cây gạo (xã Trung Kiên, Yên Lạc); 2 cây gạo (xã Cao Phong, Sông Lô); 6 cây đa và 1 cây đại (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường); 2 cây đa (xã Đồng Tĩnh và xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương).
Hầu hết các cây di sản này đều có tuổi thọ trên 100 năm đối với cây trồng và trên 200 năm đối với cây tự nhiên; có hình dáng đặc sắc, độc đáo; có giá trị về khoa học, cảnh quan môi trường, văn hóa, lịch sử...
Các cây di sản này thường gắn với bến nước, sân đình, đồng ruộng. Việc vinh danh cây di sản không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn nguồn gen quý, mà còn có tác dụng khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ những di sản cha ông để lại, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Tuy nhiên, do có tuổi thọ cao, các cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, có nguy cơ bị con người chặt phá, đốt . Để bảo vệ cây di sản, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng.
Hiện nay, việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản vẫn do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng.
Trong khi đó, các cây cổ thụ đều già, cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực trong nhân dân cũng hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây di sản, thường xuyên theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây.
Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn cây di sản, tiến tới xã hội hóa việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản; khuyến khích đưa nội dung bảo vệ cây di sản vào hương ước, quy ước của địa phương; ban hành quy chế bảo vệ cây di sản, đồng thời, coi bảo vệ cây di sản là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức.
Phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và cây di sản, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây di sản cho các tầng lớp nhân dân.
Việc công nhận danh hiệu “Cây di sản” nhằm bảo vệ những cây có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường, văn hóa. Tuy nhiên, công tác phối hợp chăm sóc cây sau khi phong danh hiệu cũng rất quan trọng, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo địa phương hay một vài cá nhân sở hữu cây mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Có như thế, việc vinh danh mới đi vào thực chất chứ không chỉ là khoác “chiếc áo danh hiệu” cho cây di sản.
Diệu Linh