Bình Định: Võ cổ truyền đón du khách

Cập nhật: 08/11/2022
Từ nhiều năm qua, võ cổ truyền Bình Định luôn tạo được sức hút với du khách, được coi là sản phẩm du lịch đặc trưng. Hiện các cấp, ngành vẫn đang nỗ lực đưa võ cổ truyền đến gần hơn với du khách...

“Đặc sản” ở Đất Võ

Là đơn vị chủ lực trong việc xây dựng các chương trình võ thuật phục vụ du lịch, Sở VHTT đã tổ chức thành công chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” vào tối thứ Bảy hằng tuần và các ngày lễ lớn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Chương trình không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần mà đã từng bước trở thành một hoạt động văn hóa, giải trí để lại dấu ấn sâu đậm, tạo thói quen đến thưởng thức cho đông đảo khán giả, đặc biệt tạo ấn tượng với du khách - Võ cổ truyền là đặc sản chỉ có khi bạn du lịch đến Bình Định.

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã đưa VĐV ra Quảng trường Nguyễn Tất Thành tập luyện; tổ chức hướng dẫn cho du khách; đội tuyển hội thi của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định cũng thường xuyên nhận hợp đồng biểu diễn phục vụ du khách ở các điểm du lịch hoặc khách sạn lớn tại TP Quy Nhơn. Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định Trần Duy Linh cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng chương trình biểu diễn hằng tuần, đảm bảo sự mới mẻ, xen lẫn các tiết mục quyền, thập bát ban binh khí và đối luyện. Bên cạnh đó, cử các HLV nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn du khách tập luyện võ khi có yêu cầu”.

Vào dịp Tết cổ truyền, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cờ người, võ đài liên tỉnh để phục vụ người dân và khách du lịch. Riêng TP Quy Nhơn đưa chương trình biểu diễn võ cổ truyền vào các hoạt động hằng tuần tại tuyến đường Văn hóa - Nghệ thuật. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng xây dựng và giới thiệu sản phẩm tour du lịch tham quan kết hợp xem biểu diễn võ tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn và TX An Nhơn.

VĐV Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn tại MerryLand Quy Nhơn (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn).  Ảnh: Nguyễn Dũng

Gắn kết với du lịch

Thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh gồm: Phi Long Vịnh, Chùa Long Phước (huyện Tuy Phước), Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (TX An Nhơn), Phan Thọ, Hồ Sừng (huyện Tây Sơn) được hỗ trợ kinh phí hằng tháng cùng một số binh khí, dụng cụ để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư mở rộng đường vào võ đường, xây dựng các công trình đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ du khách...

Từ sự hỗ trợ của nhà nước kết hợp nguồn xã hội hóa, CLB Võ thuật Chùa Long Phước (huyện Tuy Phước) đã xây dựng và hoàn thiện các hạng mục phục vụ biểu diễn võ thuật. Đại đức Thích Vạn Nguyên, Phụ trách chuyên môn CLB Võ thuật Chùa Long Phước, chia sẻ: “Từ khi hoàn thiện các công trình, công tác đón tiếp được chu đáo hơn, số lượng du khách đến tham quan, xem biểu diễn tại chùa tăng so với trước, nhất là vào dịp hè vừa qua. Các tiết mục biểu diễn chủ yếu là những bài võ đặc trưng của môn phái. Không chỉ xem võ, một số du khách còn đặt vấn đề ở lại chùa trong nhiều tháng để tập võ”.

Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa điểm thường xuyên tổ chức biểu diễn võ thuật phục vụ khách tham quan. Tùy theo lượng khách, mỗi buổi đội nhạc võ diễn 2 - 3 suất; bên cạnh đó còn biểu diễn khi có đoàn khách đặt lịch trước. Những điểm biểu diễn được tổ chức bài bản và có bề dày truyền thống này đang gặp phải những khó khăn về con người. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo đội nhạc võ xây dựng các chương trình biểu diễn phong phú, hấp dẫn hơn để phục vụ du khách. Tuy nhiên, một số thành viên của đội không còn muốn gắn bó với công việc này vì mức thu nhập khá khiêm tốn”.

Lê Na

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 05/11/2022