Trên địa bàn xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên hiện có gần 300 ha cây chè Shan tuyết đã cho thu hoạch, trong đó có khoảng 40 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ, với 2.500 -3.000 cây có từ 100 năm tuổi đến 300 năm tuổi tập trung ở bản Bẹ, Chung Chinh... Cuối năm 2019, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận quần thể cây di sản đối với 200 cây chè cổ thụ Tà Xùa tại bản Bẹ. Đây là tiềm năng, lợi thế để xã phát triển thương hiệu chè cổ thụ Tà Xùa gắn với du lịch “Thiên đường mây Tà Xùa”.
Khách đến thăm quan khu chè cổ thụ tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Theo những người cao tuổi ở Tà Xùa kể lại, không ai biết rõ cây chè có từ bao giờ, chỉ biết cây chè ở đây có hương vị đặc trưng và tốt cho sức khỏe, nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng. Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay, nghề sao chè cũng ra đời từ đó.
Du khách đến Tà Xùa không chỉ “săn mây” mà còn tham quan những cây chè cổ thụ, trải nghiệm hái và tự sao chè theo phương pháp thủ công, thưởng thức hương vị chè ngon nức tiếng trong không khí trong lành của vùng cao. Anh Lê Xuân Phương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cho biết: Tôi biết những cây chè cổ thụ ở đây qua các trang mạng xã hội. Lần du lịch này, chúng tôi và bạn bè được tận mắt nhìn thấy những cây chè hằng trăm năm tuổi, vỏ cây mốc trắng và có nhiều địa y bám vào thân cây, đầy vẻ hoang sơ; những chiếc lá to, dày, búp dài mập, sao lên có màu trắng tuyết, tỏa hương thơm thực sự gây ấn tượng, là một điểm đến thú vị với những trải nghiệm hấp dẫn. Tôi sẽ giới thiệu về những cây chè cổ thụ nơi đây cho nhiều người biết đến và sẽ mua loại trà đặc sản Tà Xùa này về làm quà cho bạn bè và người thân.
Anh Mùa A Khay, chủ Homestay Tà Xùa, cho biết: Khi du khách đến homestay, tôi không chỉ giới thiệu về những điểm đến của khu du lịch Tà Xùa, mà còn giới thiệu ẩm thực của vùng đất này, nhất là về loại trà đặc sản Tà Xùa. Du khách đến đây ai cũng ngỡ ngàng, thích thú khám phá về những cây chè cổ thụ, trải nghiệm quy trình sản xuất chè truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Hầu hết mọi người đều mua chè về thưởng thức và làm quà cho người thân.
Đến thăm gia đình anh Mùa A Sềnh, một trong những hộ có diện tích chè nhiều nhất bản Tà Xùa, anh Sềnh cho biết: Gia đình tôi có trên 5 ha chè. Do đất đai và khí hậu phù hợp nên diện tích chè ở đây được trồng và phát triển hoàn toàn tự nhiên, không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nên sản phẩm rất an toàn, được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Mỗi năm, gia đình tôi thu gần 2 tấn chè thành phẩm, bán được trên 400 triệu đồng. Chúng tôi phục vụ du khách đến thăm và trải nghiệm đồi chè của gia đình.
Trao đổi về định hướng phát triển thương hiệu chè cổ thụ Tà Xùa, gắn với du lịch, ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, chăm sóc cây chè cổ thụ và chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khuyến khích người dân thành lập các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm, kết hợp phục vụ khách tham quan khám phá vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm chè búp tươi của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành sản phẩm trà viên, trà trúc, trà mây và bộ sản phẩm trà túi lọc Shanam ướp nhài và ướp hồng trà... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Hiện, xã Tà Xùa đang vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng chè, phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có 500 ha chè. Đồng thời, giữ gìn và bảo tồn diện tích chè cổ thụ, nhằm nâng cao thương hiệu trà Tà Xùa và thu hút khách du lịch, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Minh Tuấn