Non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh)

Cập nhật: 11/11/2022
Yên Tử là quần thể danh thắng - tâm linh có lịch sử lâu đời. Đặc biệt, nơi đây gắn liền với một nhân vật sáng danh trong sử Việt là vua Trần Nhân Tông. Trải qua hơn 700 năm, những tư tưởng của vị Phật hoàng để lại cùng nơi chốn linh thiêng mãi trở thành giá trị kết tinh độc đáo của dân tộc Việt.

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử.

Chốn Phật pháp linh thiêng

Núi Yên Tử (thuộc dãy núi Đông Triều, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cao 1.068m, có tên là núi Voi, tên chữ là Tượng Sơn hay còn gọi là Bạch Vân Sơn do quanh năm mây phủ.

Từ cuối thời nhà Lý, thiền sư Hiện Quang của dòng thiền Trúc Lâm đã tới Yên Tử tu hành. Thời Trần, các vua Trần Thái Tông (1218 - 1277), vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290) đã tới Yên Tử lập am tu hành, nhưng sau lại hồi kinh. Phải đến khi vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đánh thắng giặc Nguyên Mông, từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử khoác áo cà sa, kế thừa pháp phái thiền Trúc Lâm thì Yên Tử mới thực sự trở thành trung tâm Phật giáo Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông trở thành vị tổ thứ nhất với với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam.

Trong những năm tháng tu hành, bên cạnh việc nghiên cứu phát triển Phật pháp, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng nhiều công trình Phật giáo phục vụ cho việc truyền kinh giảng đạo. Các công trình này và cả những công trình về sau trải khắp Yên Tử thành một hệ thống dài tới gần 30km. Hơn 700 năm, thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên đã làm cho nhiều chùa tháp chỉ còn là phế tích... Dẫu vậy, bên cạnh giá trị tư tưởng, những kiến trúc còn lại của Yên Tử vẫn cho thấy vẹn nguyên giá trị nghệ thuật mà người xưa đã tạo nên.

Lên đỉnh non thiêng

Đường lên Yên Tử bắt đầu từ chùa Giải Oan ngay ở chân núi. Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên Yên Tử tu hành, rất nhiều cung tần mỹ nữ đã đâm đầu xuống suối tự vẫn vì vua không cho đi theo. Vua thương cảm lập một ngôi chùa bên suối để siêu độ. Ngôi chùa và suối mang tên Giải Oan.

Từ chùa Giải Oan đi theo đường tùng rợp bóng lên non Yên. Bây giờ có cáp treo, nhiều người lựa chọn phương tiện này để tiết kiệm sức lực và thời gian. Nhưng cũng không ít người hành hương vẫn đi theo lối cũ - vừa đi trên những bậc đá gập ghềnh, vừa niệm Phật như để nghe rõ hơn tiếng vọng thời gian 700 năm về trước.

Qua am Lò Rèn, Hòn Ngọc là tới vườn tháp Tổ nằm ở lưng chừng núi. Tọa ở chính giữa và có quy mô lớn nhất là Huệ Quang Kim tháp - nơi cất giữ xá lị của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, xung quanh là 45 tháp mộ quây quần dưới những cây cổ thụ. Đi qua cổng sau tháp Huệ Quang là một con đường gạch, hai bên có hai hàng tháp mộ. 84 viên gạch vuông lát con đường này là gạch hoa cúc có từ đời Trần. Qua con đường gạch, lên những bậc đá sẽ tới chùa Hoa Yên - một trong những chùa có quy mô lớn và đẹp nhất nên còn có tên là chùa Cả. Hoa Yên đã bị phá hủy nhiều lần, ngôi chùa hiện nay mới được dựng lại theo kiến trúc thời Trần.

Từ Hoa Yên bắt đầu hành trình mới lên với chùa Đồng và đỉnh thiêng Yên Tử. Đường lên chùa Đồng dốc quanh co, thử thách sự bền bỉ và tấm lòng thành của con người khi về đất Phật. Qua hết rừng trúc, rừng tùng, đường lên chùa Đồng tưởng như thật gần, ngẩng nhìn đã thấy mây vờn trên đỉnh Yên Sơn. Thế nhưng đi qua hàng trăm bậc đá vắng dần bóng cây cỏ, lại như xa vời vợi. Khi đó ta mới thấu triết lý đạo Phật và tinh thần Trúc Lâm thiền phái. Chùa Đồng lớn hơn nhiều so với kích thước của nó. Có lẽ ai lần đầu tiên lên đây cũng không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng ngôi chùa nổi tiếng, đượm màu huyền thoại này. Trải qua nhiều lần bị thiên tai phá hủy, chùa Đồng nay được phục dựng theo tinh thần kiến trúc và tôn giáo ấy.

Ở đỉnh cao nhất của non thiêng Yên Tử, trước chùa Đồng thâm nghiêm trầm mặc, có cảm giác như nghe được tiếng vọng đất trời, tiếng nói của tiền nhân và lời của hồn thiêng sông núi. Con người như phiêu diêu thoát tục... Khi mây quang có thể phóng tầm mắt nhìn cả vùng đông bắc Tổ quốc; khi mây phủ tứ bề, giáp mặt không nhìn thấy nhau. Lúc nắng bừng lên, cảnh vật sáng rỡ, lúc lại âm u như ở cõi khác... Và khi mây hé ra, lộ những “khe trời” cho nắng chiếu qua như những chùm hào quang.

Đường xuống núi nhẹ nhàng hơn, không hẳn vì những bậc đá mà là tâm hồn thư thái, thỏa nguyện khi tới được chốn linh thiêng cõi Phật. Mọi mệt nhọc, ưu tư muộn phiền dường như tan biến.

Lên Yên Tử là trở về cội nguồn, là một lần soi lại mình, rũ sạch bụi trần... Những bước chân xuống núi như còn vương vấn trong ánh hoàng hôn chiều tà, trong tiếng mõ chùa khoan thai văng vẳng...

Bài và ảnh: Hà Thành

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 10/11/2022