Phát huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng của huyện Ba Vì, Hà Nội

Cập nhật: 11/11/2022
Hiện nay, huyện Ba Vì, Hà Nội có nhiều sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng. Để phát huy lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản phẩm chè của xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì Lê Hoàng Vinh, công ty đang sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm khác nhau, thuộc 8 dòng sản phẩm chính, như: Sữa tươi bò - dê Ba Vì thanh trùng; sữa tươi Ba Vì tiệt trùng; sữa chua ăn dạng vỉ nhiều hương vị; sữa chua ăn bò - dê dạng cốc... Năm 2021, công ty có 11 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư hệ thống thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chính ở xóm Đô (xã Ba Trại, huyện Ba Vì) cho biết, xã Ba Trại có khoảng 100 hộ gia đình trồng chè và chế biến, sản xuất chè. Năm 2021, sản phẩm chè của xã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao với thương hiệu “Chè sạch Ba Trại”. Hiện nay, gia đình có 4.000m2 trồng chè, nhờ chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, mỗi năm cho thu nhập từ cây chè khoảng 250 triệu đồng.

Huyện Ba Vì có tiềm năng và lợi thế với nhiều sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng nổi tiếng, như: Sữa, chè Ba Vì, gà đồi, miến dong Minh Hồng, nuôi ong lấy mật... Đây là lợi thế để các địa phương xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Viết Đông cho hay, vừa qua, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã đánh giá 37 sản phẩm của 15 chủ thể được đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP theo các nội dung chấm điểm của bộ Tiêu chí quốc gia, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện là 138.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì cũng gặp khó khăn về vay vốn; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn thô sơ, mẫu mã bao bì đóng gói, tem nhãn chưa chuyên nghiệp; việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn… Để phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP, theo bà Nguyễn Thị Tám ở xã Phong Vân (hộ kinh doanh giò đậu xanh, chuối tiêu hồng, chuối sấy dẻo), các ngành chức năng cần hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP về xây dựng thương hiệu, vốn mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, để sản phẩm OCOP trên địa bàn phát huy thế mạnh, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được công nhận. Mặt khác, huyện bố trí các điểm trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, giới thiệu các tổ chức, chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm; tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì đều có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Thời gian tới, các chủ thể sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì cần nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Dung

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 11/11/2022