Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã công bố kết quả công trình nghiên cứu về nguồn lợi kinh tế từ các khu bảo tồn biển. Theo đó, các khu bảo tồn biển không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao hơn mà còn lâu dài và ổn định hơn rất nhiều thông qua phát triển du lịch và đánh bắt cá có tổ chức.
Kết quả này được đưa ra tại Hội nghị Bảo tồn Biển Quốc tế lần thứ 2 họp tại Washington D.C. vào Ngày Đa dạng Sinh học Thế giới 22/05/2009.
Dọc bờ biển phía đông của Hawaii, một hệ thống khu bảo tồn biển đã được xây dựng vào năm 1999 sau những lo ngại về việc đánh bắt cá quá mức. Tám năm sau, tổng sản lượng cá và sản lượng 2 loài cá có giá trị kinh tế nhất khai thác ở vùng phụ cận đã cao hơn 40 năm trở lại đây.
Tại vùng biển được quản lý thuộc khu vực Navakavu gần đảo Viti Levu thuộc Fiji, sản lượng cá khai thác đã tăng 3% trong vòng 4 năm sau khi các chính sách bảo vệ được thi hành, đóng góp thêm vào ngân sách địa phương một khoản tương đương với 28.700 USD.
Công trình nghiên cứu của IUCN cũng chỉ ra rằng ngư dân gần Khu Bảo tồn Biển Kulape-Batu-Batu, thuộc tỉnh Tawi-Tawi của Philippin đã tăng khoảng 20% thu nhập chỉ trong thời gian một năm sau khi vùng biển khu vực này được bảo vệ.
Không những thế, các khu bảo tồn biển còn thu hút khách du lịch, ngành công nghiệp chắc chắn sẽ mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ thông qua bảo tồn.
Từ năm 2003, khi các hoạt động đánh bắt bị cấm và một khu bảo tồn biển nhỏ với diện tích 4km2 được xây dựng ở eo biển Bristol, ngành du lịch ở vùng đảo Lundy của Anh đã có bước phát triển vượt bậc. Ngành công nghiệp khai thác cá ở Lundy cũng được thu được nguồn lợi đáng kể; lượng tôm hùm ngày càng nhiều và phát triển với kích cỡ trung bình bên trong và ngoài khu bảo tồn, cũng như vậy, lượng cá cũng được trông đợi sẽ ngày càng dồi dào, giúp tăng thu nhập cho dân chài nơi đây.