"Nghe bảo trên ấy đang "hot", có rừng trúc, ao nuôi cá hồi, có lúa nếp Tài mùa chín rộ..."! Nhận được cái gật đầu của các thành viên, trưởng nhóm Hoàng Nhật Thành quyết định cho quay xe từ thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) lên thẳng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương. Một ngày ở Phiêng Phàng mang lại cho nhóm của chị Thành và những du khách khác những trải nghiệm ấn tượng khó phai.
Đoàn du khách Hà Nội thưởng thức các món bánh truyền thống của người dân Phiêng Phàng.
"Đoàn mình đi Phiêng Phàng xin mời theo lối này, các anh chị nhớ rẽ phải hai lần rồi đi thẳng là tới. Chúc cả đoàn có chuyến đi vui vẻ, ý nghĩa". Lời chỉ dẫn nhẹ nhàng, ân cần của chàng trai địa phương để lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong mỗi thành viên đoàn du khách.
Đường lên Phiêng Phàng được tô điểm bởi những thửa ruộng bậc thang lúa chín rộ, bên dưới là dòng suối trong xanh uốn lượn, mang đậm nét thu vùng cao. Đoàn khách vừa bước chân xuống xe, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Phàng, bà Triệu Thị Mản, Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh và một số bà con người Dao đon đả ra đón tiếp. Không cưỡng lại được hương vị của món bánh đặc sản do chính tay bà con Phiêng Phàng dày công chế biến, các thành viên trong đoàn tiến nhanh đến khu ẩm thực. Vừa cắn xong miếng bánh trôi làm từ những nguyên liệu truyền thống của địa phương, anh Nguyễn Xuân Hải tấm tắc khen ngon. Khách ăn nhiều, khen ngon, bà con thêm vui, lại mau tay chế biến mang ra mời. Cùng với ẩm thực, những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc của đồng bào Dao cũng để lại ấn tượng cho du khách.
"Trang phục truyền thống của đồng bào Dao rất đa dạng gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ… với kiểu dáng, hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm hương sắc của thiên nhiên như hoa rừng. Con gái người Dao ai cũng phải tự tay may cho mình bộ trang phục truyền thống thật đẹp, chính vì thế mà ngay từ khi lên 6, lên 7 bé gái dân tộc Dao đã được bố mẹ dạy thêu thùa, khâu vá. Mỗi bộ váy của phụ nữ Dao phải bỏ công sức vài tháng để may thêu vì thế giá có thể lên 10 triệu đồng/bộ", chị Triệu Thị Tàn, thành viên HTX Yến Dương tự hào chia sẻ với du khách về trang phục truyền thống.
Trải nghiệm tham quan rừng trúc Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng.
Rời khu ẩm thực và gian hàng truyền thống, đoàn du khách theo chân Giám đốc HTX Yến Dương trải nghiệm thu hái lúa nếp Tài hữu cơ. Quanh năm làm việc trong những văn phòng cao ốc nay được tự tay thu hái lúa nếp Tài thơm mẩy trên thửa ruộng bậc thang mang lại cho đoàn du khách đến từ Hà Nội cảm xúc khác lạ. Với không gian mở của những thửa ruộng bậc thang, HTX Yến Dương khéo léo sắp đặt những tiểu cảnh để du khách nhìn ngắm thiên nhiên và “check-in”.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Phiêng Phàng không chỉ có thế, cách trung tâm thôn hơn 1km, ngược lên đỉnh núi cao, khoảng không gian xanh ngát của rừng trúc Pù Lầu và thác Pù Lầu như "dải lụa trắng" vắt trên phiến đá phong rêu tạo cảm giác thư thái, bình yên. Tận dụng nguồn nước trong, mát lạnh của suối Pù Lầu, người dân địa phương nuôi cá tầm, cá hồi. Vào những dịp cuối tuần hay lễ, Tết, rất nhiều đoàn khách tìm lên Phiêng Phàng dã ngoại thưởng thức các món ăn đặc sản, trong đó có cá nước lạnh.
Gần cuối ngày, đoàn khách Hà Nội chưa kịp rời chân đã có thêm những nhóm khách từ thành phố Bắc Kạn và Bạch Thông lên tham quan, trải nghiệm. Dù là khách trong tỉnh hay ngoài tỉnh đều được người dân Phiêng Phàng tiếp đón nồng nhiệt, chân thành và cởi mở.
Gia đình chị Hoàng Hải Hà (thành phố Bắc Kạn) chụp ảnh lưu niệm tại cánh đồng lúa nếp tài hữu cơ.
Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Phàng, bà Triệu Thị Mản phấn khởi: Khách lên Phiêng Phàng trải nghiệm du lịch cộng đồng thời gian này lúc nào cũng tấp nập. Du lịch cộng đồng phát triển thì đời sống bà con trong thôn sẽ được nâng cao, giá trị văn hóa truyền thống cũng sẽ được bảo tồn tốt hơn. Thời gian tới khi được cấp trên hỗ trợ, thôn dự định sẽ xây dựng thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút và níu chân du khách mỗi lần đến với Phiêng Phàng"./.
Xuân Nghiệp - Đình Hợi