Thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, cách làm hay, sáng tạo, được đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng, tham gia, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa” với nội dung đổi chai nhựa đã qua sử dụng lấy nước sát khuẩn tay do Huyện đoàn Lâm Thao triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” được Đoàn cấp huyện triển khai thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi thói quen, hành động của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, hộp nhựa dùng một lần.
Đồng chí Trương Nguyễn Quân - Bí thư Huyện đoàn Hạ Hòa thông tin: “Thực hiện mô hình, Đoàn cấp xã thành lập đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền, vận động người dân xách làn đi chợ, chủ động mang hộp sử dụng nhiều lần mỗi khi đi chợ để đựng thực phẩm; chủ cửa hàng, quầy buôn bán ở chợ hạn chế sử dụng túi nilon, đóng gói sản phẩm bằng lá dong, lá chuối, dây rơm; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chủ động phân loại rác thải tái chế và rác không tái chế... Để phong trào thiết thực, lan tỏa, Huyện đoàn đã tặng hơn 200 túi bạt đi chợ cho người dân xã Minh Côi; Đoàn cấp xã tổ chức các buổi tình nguyện đổi chai, lọ, đồ nhựa đã qua sử dụng lấy khẩu trang, nước sát khuẩn và các túi đựng tái sử dụng thân thiện với môi trường tại các chợ dân sinh”.
Các cấp bộ Đoàn cũng tích cực phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền, tặng thùng đựng rác để hình thành thói quen tốt cho các em học sinh trong việc sử dụng, phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định. Tại Thanh Sơn, đi đôi với công tác giáo dục, tuyên truyền, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai các phong trào, hành động góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt khuyến khích tái sử dụng thành những đồ vật có ý nghĩa. Các Đoàn trường cũng hướng dẫn học sinh sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng làm thành chậu trồng hoa, cây, vừa hạn chế xả thải rác nhựa vừa trang trí không gian lớp học thêm xanh, đẹp...
Tại các khu dân cư, mô hình “Khu dân cư nói không với rác thải nhựa” được thanh niên xung kích triển khai có hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Thanh Ba đã trao tặng 17 thùng đựng rác phân loại cho khu dân cư số 4, thị trấn Thanh Ba từ tháng 3/2022. Đến nay mô hình được duy trì thực hiện, mở rộng ra toàn thị trấn và các xã trên địa bàn huyện, góp phần hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống. Chi đoàn khu dân cư phối hợp với đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường, kênh mương, đặc biệt là chất thải nhựa, không vứt túi nilon bừa bãi xuống đường, kênh mương, cống rãnh, bãi đất trống...
Song hành với các mô hình, việc làm cụ thể, các chương trình như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” cũng đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, được các cơ sở Đoàn triển khai thực hiện, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh tại địa bàn sinh sống, xử lý các điểm đen về rác thải tại khu dân cư, trên các tuyến đường chính, khu vực công cộng hay gỡ bỏ các biển quảng cáo rao vặt trái phép.
Đồng chí Nguyễn Trường Thọ - Bí thư Đoàn xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cho biết: “Đoàn xã đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện “Ngày chủ nhật xanh” với chủ đề “Phòng, chống rác thải nhựa” vừa tuyên truyền nâng cao ý thức vừa tiến hành thu gom rác thải nhựa tại khu vực chợ, trồng cây xanh, hoa tại các bãi đất trống, ven đường, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi... Sau hoạt động ra quân, cán bộ, đoàn viên tiếp tục lồng ghép tuyên truyền thanh niên và nhân dân ở các khu dân cư, vận động đoàn viên thanh niên hưởng ứng phong trào, thực hiện các ý tưởng, mô hình chống rác thải nhựa trên địa bàn”.
Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, mỗi đoàn viên thanh niên đã tự ý thức trách nhiệm cá nhân trong hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần từ những việc làm nhỏ hàng ngày. Với tinh thần xung kích, tình nguyện và các hoạt động phong phú, tuổi trẻ Đất Tổ đã và đang góp phần tích cực vào việc thay đổi, hình thành thói quen tốt trong bảo vệ môi trường.
Khánh Duy