Những chuyến xe của gia đình, nhóm bạn trẻ từ các đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… xuôi về nông thôn Bình Thuận để tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá ngày càng nhiều hơn…
Nhiều du khách tìm đến thác trượt Đức Phú
Nhiều người bất ngờ khi thấy hàng chục xe con nối đuôi nhau chạy lên vùng cao Đa Mi (Hàm Thuận Bắc). Ban đầu cứ nghĩ dân làm bất động sản đi gom đất nhưng khi thấy dàn xe dừng bên bờ hồ chụp ảnh có cả phụ nữ và trẻ em, rồi thấy dựng lều sinh hoạt thì mọi người mới ngỡ ra họ đi du lịch… Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực từ Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ ở huyện Hàm Thuận Bắc và La Ngâu, huyện Tánh Linh cách đây chừng 3 năm còn lạ lẫm với những dàn xe mô tô phân khối lớn hay chạy qua bản làng rồi tìm những nhà vườn có cây trái dừng chân nghỉ qua đêm nhưng bây giờ cảnh ấy với người bản xứ là… thường nhật. Ví như vào ngày lễ 30/4 vừa rồi có cả ngàn người từ các tỉnh, thành khu vực miền Tây như Tiền Giang, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đến cắm trại ở thượng nguồn ven dòng sông La Ngà để nghỉ dưỡng và vui chơi đến 3 ngày tạo nên không khí sôi động và lạ lẫm cho vùng quê vốn yên ả.
Ở Võ Xu, dọc con sông La Ngà gần đây nhiều quán ăn sang trọng mọc lên kèm theo là nhà nghỉ và mô hình Homestay để cung ứng nhu cầu cho khách du lịch ngày càng đông… Nắm bắt được xu thế thị trường người dân ở các đô thị trong các kỳ nghỉ muốn về vùng quê chọn sự yên bình, tĩnh lặng để thư thái tâm hồn, cử nhân ngành luật Nguyễn Hữu Nhơn đã bỏ phố với thu nhập cao về quê Võ Xu lên ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái với mô hình nông thôn, tạo khung cảnh nhà sàn, trồng lúa sạch với vườn, ao, chuồng kèm theo những món ăn đặc sản vùng quê của bà con… Dự án đang hình thành hy vọng sẽ tạo dấu ấn cho ngành du lịch cũng như tỉnh nhà.
Ở Đức Linh có thác Reo, nhiều năm nay hầu như vào các dịp lễ, tết hàng trăm người dân trong vùng và kể cả dân ngoài tỉnh đều tập trung đến tham quan, tắm suối và vui chơi. Gần đây đã có doanh nghiệp bắt tay vào làm dự án du lịch theo tuyến khám phá dã ngoại. Xuôi từ Đức Linh về Đức Phú (Tánh Linh) đi qua đèo Tà Pứa chừng 2 km là có điểm thác trượt còn hoang sơ và rất lạ với nhiều người. Gọi là thác nhưng ở đây thiên nhiên ban tặng cho dòng chảy trên đá xuôi như máng xối nhà dân rộng khoảng 3 m và dài chừng 200 m. Thác có dòng chảy quanh năm với nguồn nước trong xanh, bên dưới thác là chiếc hồ chứa nước độ sâu chỉ ngang tầm ngực. Vào những ngày nghỉ cuối tuần và lễ, tết người dân trong vùng và các tỉnh, thành tập trung về thác vui chơi, cắm trại sinh hoạt. Nét độc đáo ở thác trượt là người lớn và trẻ em trượt thác trên ghềnh đá tự nhiên, trượt thác một mình hay gia đình 4 đến 5 người nắm tay nhau ngồi trên nguồn nước đầu thác, nguồn nước tự nhiên sẽ đẩy người trôi theo thác xuôi cuối dòng và đáp tại lòng hồ. Trong một lần được nhóm bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh rủ đi dã ngoại ở thác trượt Đức Phú, tôi khá bất ngờ khi thấy khách du lịch ngoại tỉnh tập trung ở khu vực này khá đông, mặc dù đây là điểm du lịch kiểu tự phát nhưng thông qua các kênh trên mạng xã hội nên dân đi phượt nhanh chóng tìm ra địa chỉ. Sau những chuyến trượt thác thú vị thông tin về thác trượt được truyền tai nhau nên giờ đây không chỉ lớp trẻ mà những hộ gia đình cũng tìm đến tham quan và nếm cảm giác trượt trên thác đá tự nhiên chỉ duy nhất ở Bình Thuận mới có. Anh Nguyễn Hữu Cầu ở thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình sau chuyến công tác ở Phan Thiết, nghe tiếng thác trượt đã đến tham quan, cho biết: Tôi khá bất ngờ vì thác trượt rất lạ, vợ tôi và mấy đứa nhỏ cứ trượt đi, trượt lại cả chục lần với vẻ mặt rất hưng phấn mà không biết mệt mỏi. Mới ở Phan Thiết mấy mẹ con đã ghiền trượt cát ở đồi hồng, giờ lên đây lại ghiền món trượt thác đến lạ lùng…
Ngoài khung cảnh hoang sơ núi rừng, sông suối, mô hình nông nghiệp, chăn nuôi vùng nông thôn du khách còn được trải nghiệm các món ăn đặc thù của địa phương, được nghỉ dưỡng trong không khí trong lành giữa làng quê yên bình. Đó là nét độc đáo và riêng biệt sau những ngày ở phố thị mệt nhoài vì công việc. Du lịch nông thôn đang ngày càng được các bạn trẻ và dân ở các đô thị tìm về ngày càng đông…
Trần Thi