Linh trưởng là một nhóm loài với sự đa dạng tuyệt vời khi có đến 522 loài được ghi nhận trên thế giới. Tuy nhiên, những hoạt động không bền vững ngày một gia tăng của con người đang đe dọa rất lớn đến sự tuyệt chủng của các loài linh trưởng châu Á.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8 đã chính thức được khai mạc sáng nay (14/11) tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy tổ chức dưới sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội thảo đón sự hiện diện của hơn 200 đại biểu, các nhà khoa học, trong đó có 90 đại biểu quốc tế tới từ hơn 20 quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Trong thời gian làm việc 3 ngày (14-16/11), các đại biểu sẽ tập trung chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, thách thức và giải pháp trong công tác bảo tồn linh trưởng nói chung.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp hy vọng Hội thảo Linh trưởng châu Á sẽ mang tới cho các nhà khoa học, chuyên gia diễn đàn để chia sẻ quan điểm, ý tưởng cũng như kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực bảo tồn các loài linh trưởng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong khi đó, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Hội thảo sẽ giúp các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác bảo tồn trong nước và quốc tế đánh giá thực trạng cũng như các mối đe dọa đến các loài linh trưởng trong khu vực.
Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) phát biểu tại hội thảo.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) đề nghị các đại biểu cần đề xuất các chiến lược vùng để bảo vệ các loài linh trưởng đạt hiệu quả tốt hơn trong những năm tiếp theo.
"Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội tốt để các nhà khoa học quốc tế tìm hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; góp phần quan trọng nhằm khuếch trương nền văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế", ông Liên nhấn mạnh.
Cũng tại phiên khai mạc, các chuyên gia hàng đầu đến từ Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)... cũng có những tham luận về tính nguy cấp cũng như sự cần thiết của công tác bảo vệ các loài linh trưởng tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung.
Hội thảo bao gồm nhiều phiên thảo luận chuyên môn như: Thuyết trình các nghiên cứu, ý tưởng, kinh nghiệm đến từ các chuyên gia về công tác bảo tồn các loài linh trưởng châu Á; đi thực địa tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long.
Bên cạnh đó, các triển lãm ảnh về sự đa dạng linh trưởng tại Việt Nam; các hoạt động bên lề nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức đại biểu tham dự Hội thảo nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và sự phát triển công tác bảo tồn linh trưởng châu Á cũng sẽ được tổ chức.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Hội thảo linh trưởng châu Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 tại Bangkok (Thái Lan).
Linh trưởng là một nhóm loài với sự đa dạng tuyệt vời khi có đến 522 loài được ghi nhận trên thế giới. Châu Á là một châu lục đóng góp đến 20% tổng số linh trưởng của thế giới khi sở hữu 119 loài. Tuy nhiên, những hoạt động không bền vững ngày một gia tăng của con người đang đe dọa rất lớn đến sự tuyệt chủng của các loài linh trưởng châu Á.
Voọc tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Tilo Nadler)
Theo nghiên cứu, Việt Nam là “ngôi nhà” của 24 loài linh trưởng, cũng là nơi có số loài linh trưởng nhiều nhất trong các quốc gia Đông Nam Á nằm trong khu vực đất liền. Tuy nhiên, 90% tổng số loài linh trưởng của Việt Nam đang ở mức nguy cấp và vô cùng nguy cấp khi đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Các chuyên gia đánh giá hiện trạng này đã làm ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học của toàn thế giới.
Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên. Chính phủ Việt Nam đang ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng.
Voọc Cát Bà. (Ảnh: Nguyễn Văn Trường)
Đã có rất nhiều Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn, Trung tâm cứu hộ được lập ra để cứu hộ, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh và môi trường sống của một số quần thể linh trưởng đặc biệt như Voọc Cát Bà, Voọc Mông trắng… Cùng với nỗ lực của chính phủ và các cơ quan trong nước, là sự chung tay của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng.
Sơn Bách