Đồng bào dân tộc Tày ở Văn Bàn có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống. Họ không chỉ tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà còn không ngừng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc thông qua nhiều hình thức.
Dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác các làn điệu Khắp Nôm, công việc này được bà Lương Thị Trường ở thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn thực hiện từ nhiều năm nay. Với giọng Khắp trong trẻo, ngân vang, thuộc và hát được nhiều làn điệu, bà Trường đã và đang cùng 30 thành viên trong câu lạc bộ truyền dạy Khắp Nôm lưu giữ, phát triển. Bà Lương Thị Trường chia sẻ: "Đi đình đi đám nghe và hát theo người già là tôi nhớ thôi chứ không có trường nào dạy cả. Tôi cũng mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ để sau này không mất đi bản sắc của dân tộc mình".
Điệu Khắp Nôm của người Tày ở Văn Bàn được lưu giữ và phát triển.
Thêu, dệt cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Tày Văn Bàn. Nếu như trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của chị em chỉ để phục vụ gia đình, thì nay đã trở thành sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cho biết: "Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động Nhân dân duy trì bản sắc dân tộc về quần áo của người Tày; đồng thời quảng bá khắp nơi trong và ngoài tỉnh để nhiều người biết đến sản phẩm của người Tày".
Các sản phẩm thổ cẩm của người Tày Văn Bàn nay đã trở thành sản phẩm du lịch.
Để các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày được bảo tồn, phát huy và trở thành nghề, huyện Văn Bàn đã quan tâm gắn với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Bắc, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn cho biết thêm: "Bảo tồn những bản sắc, những nghề truyền thống của dân tộc Tày để làm sao không bị mai một đi; lưu giữ truyền dạy cho thế hệ trẻ và sẵn sàng trở thành một trong những mặt hàng sản phẩm du lịch, đáp ứng theo nhu cầu du lịch sau này khi Văn Bàn hình thành được các mô hình phát triển du lịch cộng đồng".
Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống theo hướng “biến di sản thành tài sản” ở Văn Bàn là rất cần thiết, trong đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, để bà con không chỉ tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc mà còn sống được bằng nghề.
Mai Huệ - Minh Dũng