Văn hóa Hòa Bình (VHHB) là nền văn hóa tiền sử nổi tiếng, có mặt phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á nhưng phân bố dày đặc và phong phú ở Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền VHHB. Trong đó, riêng tỉnh Hoà Bình có trên 70 di tích đã được phát hiện và nghiên cứu. Sự hiện diện của nền VHHB là minh chứng khẳng định Hòa Bình - Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người.
Một nền văn hóa tồn tại từ thời tiền sử, nhưng phải đến năm 1932 mới được các nhà khảo cổ học thế giới công nhận. Hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ "VHHB” do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hoá này.
Nhân viên Bảo tàng tỉnh sắp xếp hiện vật khảo cổ tại khu vực trưng bày giới thiệu nền Văn hóa Hòa Bình.
Các cứ liệu lịch sử đáng tin cậy đã khẳng định thông tin: Nền VHHB cổ đại đã xuất hiện và tồn tại trên địa phận nước Việt tiền sử, có niên đại khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay. Sự hiện diện của nền VHHB không chỉ là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người, mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ học (KCH), nhà khoa học, nhà nhân chủng học... những cứ liệu thuyết phục về quá trình định hình sinh học của người hiện đại Homosapiens, về phương thức kiếm sống, về tổ chức xã hội, khi con người ở đây tiến từ giai đoạn "bầy người” tới tổ chức bộ lạc nguyên thuỷ...
Đặc biệt, với những di vật thu thập được khi tổ chức khai quật lại các di chỉ khảo cổ tồn tại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các nhà khoa học đã khẳng định: Niên đại cực thịnh của nền VHHB rơi vào thời kỳ khí hậu khu vực đạt mức tối ưu (trên dưới 20.000 năm trước), khi mà ở hai cực nam - bắc bán cầu đạt đỉnh cao nhất của thời kỳ băng hà cuối cùng (Wueme), giúp vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của một giai đoạn khởi nguồn sự phát triển xã hội của tổ tiên cư dân thời tiền sử đã sinh tụ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
Cũng theo các công trình khoa học đã được công bố, nền VHHB không chỉ tồn tại trên đất nước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam Á. Ở phía Bắc, di tích VHHB có mặt ở Nam Trung Quốc. Ở phía Nam, VHHB lan tận Malaysia, Sumatra (Indonesia). Ở phía Tây, di tích VHHB đã gặp ở Miến Điện, Nepal, Thái Lan. Ở phía Đông, người ta cho rằng, có dấu vết của nền văn hoá này trong một hang động của Philippines. Riêng tại lãnh thổ Việt Nam - nơi xuất hiện dày đặc và phong phú nhất dấu tích của nền VHHB, giới KCH và khoa học đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền VHHB. Các di tích này phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh: Hoà Bình (72 điểm) và Thanh Hoá (32 điểm). Số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Như vậy, tỉnh Hòa Bình đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước xác nhận là quê hương của nền VHHB.
Tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình - nơi khảo cứu địa phương đã và đang tích cực thực hiện chức năng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các loại tư liệu, tài liệu, hiện vật, di sản văn hóa nổi bật và đặc sắc, phòng Trưng bày di sản văn hóa được thiết kế rộng rãi, khoa học, chia thành 5 phần trưng bày, trong đó nổi bật nhất là phần trưng bày về nền VHHB.
Đồng chí Tô Anh Tú, Giám đốc Bảo tàng tỉnh giới thiệu: Đến với Bảo tàng tỉnh, góc trưng bày các hiện vật đặc trưng của nền VHHB thường có sức hút đặc biệt đối với khách thăm quan. Nền văn hóa này là gạch nối giữa thời đại Đá cũ (Văn hoá Sơn Vi) và thời đại Đá mới (Văn hoá Bắc Sơn). Nơi cư trú chính của cư dân nền VHHB là các hang động và mái đá, ngoài ra, có một bộ phận rất nhỏ cư trú ngoài trời và thềm sông, suối. Họ sống theo chế độ mẫu hệ, kinh tế chủ yếu là săn bắt, hái lượm. Vì thế, đặc trưng nhất của nền VHHB được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội, bằng sự kết hợp các thủ pháp chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa, tạo ra những công cụ như: công cụ hình đĩa, 1/4 viên cuội, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi... Bên cạnh đó, cư dân VHHB đã biết chế tác và sử dụng công cụ bằng xương, sừng, vỏ trai và làm đồ gốm bằng khuôn đan. Đặc biệt, họ đã biết làm đẹp, có ý thức về nghệ thuật hội họa và chôn người chết ngay nơi cư trú theo tư thế nằm co bó gối…
Cũng có sức hút không kém trong không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh là phần giới thiệu về bà Madeleine Colani, nhà nữ KCH người Pháp đã có công phát hiện và đặt tên cho nền VHHB. Công lớn của bà Colani là tìm thấy rất nhiều di vật khảo cổ, đủ nhiều để sắp xếp, phân loại và lập luận thuyết phục giới KCH thế giới rằng: Cư dân cổ bắc Việt có một nền VHHB riêng biệt so với các nền văn hóa thế giới khác. Tháng 1/1932, ở hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội - hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam, bà Colani đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện của một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử được biết đến trước đó trên thế giới. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ VHHB do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hoá này. Bà Colani nổi danh trên thế giới từ đó. Hơn nửa thế kỷ sau, bà một lần nữa được vinh danh qua Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về VHHB của bà. Và nhân kỷ niệm 90 năm (1932 - 2022) thế giới công nhận nền VHHB, cái tên Madeleine Colani một lần nữa được vinh danh trên mảnh đất Hòa Bình tươi đẹp, với chuỗi sự kiện văn hóa thể hiện niềm tự hào của thế hệ ngày nay đối với một nền văn hóa đã tồn tại bền vững từ thời tiền sử.
(Còn nữa)
Thu Trang