Bước sang sơ kỳ thời đại đồ đá mới, với sự ra đời của kỹ thuật mài và tiếp xúc với các nhóm nông nghiệp xung quanh, cư dân tiền sử không chỉ săn bắt, hái lượm mà đã biết sử dụng lửa để làm chín thức ăn, sử dụng đồ gốm…
Di tích hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn) là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hoà Bình.
Tại hang Sũng Sàm (Mỹ Đức - Hà Nội) đã thu được 2.233 hiện vật đồ đá, xương và đồ gốm, cùng nhiều xương răng người. Bộ sưu tập đá Sũng Sàm thể hiện những đặc trưng của kỹ nghệ Hoà Bình khá điển hình. Trong kỹ thuật chế tác đá, ngoài những kỹ thuật ghè trực tiếp, ghè hạn chế ở rìa mép viên cuội đã xuất hiện kỹ thuật ghè xung quanh, hướng tâm công cụ (kỹ thuật Sumatralith) rất điển hình nhằm tạo ra những công cụ gần như hình bầu dục hoặc rìu ngắn. Số lượng mảnh tước được gia công, tu chỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ. Đáng chú ý là đã phát hiện được 13 chiếc rìu mài hạn chế phần lưỡi "kiểu rìu Bắc Sơn”. Ngoài di vật đá còn tìm thấy 117 mảnh gốm thô (81 mảnh trang trí văn thừng thô, 11 mảnh văn thừng mịn, 15 mảnh văn khắc vạch, 7 mảnh không hoa văn) và một số mảnh lọt sâu xuống nền hang nguyên thuỷ. Dựa vào những bằng chứng di tồn vật chất từ trong tầng văn hoá Sũng Sàm cho thấy, săn bắt và hái lượm là 2 ngành kinh tế chủ yếu trong đời sống của cư dân nguyên thủy Hương Sơn - Sũng Sàm. Rất nhiều xương có vết cháy, chứng tỏ cư dân nguyên thủy nướng thịt chín trước khi ăn. Với tầng văn hoá dày, hàm chứa phong phú những dấu vết cổ nhân, xương răng động vật và đặc biệt là hàng nghìn công cụ đá, gốm đã minh chứng rằng: Sũng Sàm là một di chỉ - xưởng - mộ táng, có quy mô lớn, lâu dài như vẫn thường thấy ở một số di chỉ Văn hoá Hoà Bình khác như Làng Bon, Làng Đồi…
Quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy sự cấu tạo của tầng văn hoá dày 1,7 m; phát hiện 2 hố đất mùn (hố rác) bếp nguyên thuỷ, hơn 900 hiện vật và 2 mộ táng tại hang Muối, thuộc thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Kết quả cuộc khai quật xác định di tích hang Muối thuộc nền Văn hoá Hoà Bình có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Di vật thu được ở hang Muối khá phong phú, gồm nhiều loại hình khác nhau như: ghè đập, chặt thô, rìu ngắn, rìu dài, rìu mài lưỡi, công cụ hình đĩa, hình hạnh nhân, công cụ nạo nhỏ, chày, bàn nghiền, công cụ cắt khía, hòn ghè, hạch đá, công cụ mũi nhọn, mảnh tước, hòn cuội nguyên và phế liệu, công cụ xương, mộ táng, bếp… Năm 1995, di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình hang Muối được xếp hạng cấp quốc gia.
Hang Chổ thuộc xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn) được bà M. Colani khai quật từ ngày 9 - 13/12/1926, thu được 1.143 hiện vật các loại. Năm 1984, Bảo tàng Hà Sơn Bình kết hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu khảo sát hang Chổ, thu thập được rất nhiều hiện vật: xương động vật, các loại công cụ đá, công cụ chặt, công cụ hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân, một số mảnh tước các loại. Tháng 3/1998, Bảo tàng Hoà Bình, Viện Khảo cổ học Việt Nam và giáo sư sử học Trần Quốc Vượng tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ hang, khu vực bãi đá trống trước cửa hang nhặt được 40 công cụ bằng đá. Tháng 11/1998, Bảo tàng Hoà Bình và Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp tiến hành điều tra khảo sát toàn bộ khu vực xã Cao Răm cũ và đào thám sát hang Chổ. Theo báo cáo sơ bộ, số hiện vật thu được gồm 1.230 tiêu bản, trong đó có 31 mảnh tước, 110 đá nguyên liệu, 117 công cụ lao động, 36 mảnh vỡ công cụ, xương 18 tiêu bản (đục, dao, công cụ mũi nhọn). Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong những lần khai quật, thám sát đã khẳng định: Di tích hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hoà Bình. Đồng thời là di chỉ xưởng có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay, trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta. Năm 2000, di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình hang Chổ được xếp hạng cấp quốc gia.
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, nhóm cư dân đầu tiên của Văn hóa Hòa Bình sống rải rác ở các huyện trên địa bàn tỉnh vào khoảng 20.000 - 25.000 năm cách ngày nay. Họ sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, đôi khi đưa về một số động vật rất lớn, trong đó tê giác chiếm số lượng nhiều hơn cả. Thời kỳ này rất dài. Sau đó đã có sự thay đổi do cư dân trồng lúa phát triển đến giai đoạn kim khí sớm ở vùng Thanh Hóa, Ninh Bình theo từng nhóm nhỏ đến để khai thác đá. Nhóm cư dân này mang đồ gốm, nghề trồng lúa đến và sống chung với những cư dân trong hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) tạo nên một "làng” mới ở phía cửa hang. "Làng” đá mới đã xuất hiện, tạo ra những lối sống mới nhất, lối sống làng xóm…
(Còn nữa)
Linh Nhật