Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã khảo sát hiện trạng quần thể của voọc chà vá chân xám trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy các giải pháp khẩn cấp bảo tồn loài động vật đặc hữu, quý hiếm này.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa qua, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh phối hợp với kiểm lâm và người dân địa phương ở huyện Ba Tơ, tiến hành 2 đợt khảo sát kéo dài khoảng 13 ngày. Qua đó, phát hiện 10 đàn, với 104 cá thể loài voọc chà vá chân xám tại 10 khu vực rừng ở các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (Ba Tơ) phân bố chủ yếu trong các tiểu khu 452, 455, 457, 459, 462 và 463.
Cá thể voọc chà vá chân xám được phát hiện trong rừng phòng hộ xã Ba Nam (Ba Tơ). Ảnh: Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc tổ chức khảo sát hiện trạng và tổ chức báo cáo kết quả điều tra về sự phân bố và sinh cảnh sống của loài chà vá chân xám tại huyện Ba Tơ sẽ là cơ sở để ngành chức năng đề xuất các giải pháp bảo tồn trong thời gian đến. Bên cạnh đó, đây sẽ là tiền đề đẩy nhanh quá trình quy hoạch xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên, góp phần tạo sự đồng bộ giữa các tỉnh trong việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn voọc chà vá chân xám nói riêng. Ngành nông nghiệp đang trình UBND tỉnh về việc tổ chức hội nghị tham vấn giải pháp bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn huyện Ba Tơ.
Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, khu vực đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nằm trên địa bàn 4 xã: Ba Vì, Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế (huyện Ba Tơ) với tổng diện tích đề xuất hơn 20.139ha, bao gồm 9.253ha vùng lõi, hơn 10.604ha khu vực phục hồi sinh thái, hơn 281,8ha khu vực hành chính-dịch vụ và hơn 15.583ha vùng đệm.
Khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học. Ảnh: Thanh Chung
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản; thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách và lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tổ chức Hội nghị tham vấn giải pháp bảo tồn loài chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ.
Thông qua hội nghị này nhằm tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn quần thể chà vá chân xám nói riêng và đa dạng sinh học nói chung, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững cho địa phương. Đồng thời, huy động được sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp, các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh để thành lập Khu bảo tồn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm bảo tồn và phát triển loài chà vá chân xám.
Voọc chà vá chân xám thuộc nhóm 1B trong danh mục động vật rừng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi chép trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Quảng Ngãi là một trong 6 tỉnh của cả nước được xác định là nơi phân bố của loài chà vá chân xám. Theo ước tính, trong cả nước, loài voọc chà vá chân xám ngoài tự nhiên có khoảng 2.200 - 2.500 cá thể, chỉ còn phân bố ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Minh Hòa