Phát huy tiềm năng tàu du lịch biển quốc tế tại Việt Nam

Cập nhật: 22/11/2022
Mùa đông nhiều nước băng tuyết lạnh giá, khách du lịch sẽ tìm đến vùng biển nhiệt đới đầy nắng và cát trắng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với bờ biển trải dài trên 3.000km. Thị trường du lịch đang chờ đón tàu du lịch biển quốc tế quay trở lại Việt Nam nhộn nhịp như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang đón khách du lịch quốc tế ở cầu cảng Nha Trang. Ảnh: Lệ Giang

Trong tháng 10/2022, chiếc tàu du lịch Lelaperouse, quốc tịch Pháp đã hai lần chở khách cập vào cảng Nha Trang (Khánh Hòa) để cho du khách lên bờ tham quan thành phố. “Tàu Lelaperouse trước đó đã nhập cảnh vào đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó, ghé vào các cảng Nha Trang, Quy Nhơn (Bình Định)... Có một số cảng tàu ghé vào đón khách châu Âu, trước đó họ đã đi sang Việt Nam bằng đường hàng không. Thay vì khách ở lại khách sạn trên bờ, nay họ chuyển sang ở dưới tàu, rồi lên bờ du ngoạn. Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều mô hình du lịch đã thay đổi” - Trung tá Phạm Quang Khang, cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, BĐBP Khánh Hòa cho biết.

Hiện nay, tàu Lelaperouse đang hoạt động ở Thái Lan, Malaysia, sang tháng 1/2023, tàu này sẽ quay trở lại hoạt động ở Việt Nam. Theo kế hoạch của các hãng tàu du lịch, tháng 3/2023, một số cảng biển ở Việt Nam sẽ đón tàu Queen Mary2, quốc tịch Bermuda, tải trọng 150.000 tấn, chiều dài 345m, sức chứa 4.000 khách du lịch. Tháng 4/2023, sẽ đón tiếp tàu Queen Elizabeth, quốc tịch Bermuda, tải trọng gần 100.000 tấn, chiều dài gần 300m, sức chứa 3.000 khách.

Ngày 8/11/2022, dưới sự kết nối của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các hãng tàu du lịch, doanh nghiệp lữ hành Singapore và đại diện Tổng cục Du lịch Singapore đến thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) để khảo sát các địa điểm du lịch. Đồng thời, gặp gỡ Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tân Cảng-Cái Mép để trao đổi về công tác phối hợp tiếp đón tàu khách du lịch đến Việt Nam.

“Việt Nam có phong cảnh đẹp, với hệ thống cảng biển trải dài khắp đất nước. Do vậy, Việt Nam là điểm đến truyền thống trong lịch trình khai thác tour tàu biển châu Á và Đông Nam Á của các hãng tàu biển du lịch Singapore. Riêng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải thuận tiện cho tàu du lịch trọng tải cỡ lớn cập cảng đưa khách lên bờ tham quan các địa danh văn hóa lịch sử tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang” - bà Jeannie Lim, Tổng cục phó Khối Chính sách và Quy hoạch Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ thông tin.

Ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, chạy song song với tuyến hàng hải quốc tế, giữa Bắc và Nam châu Á, Việt Nam là điểm dừng chân lý tưởng của các tuyến tàu biển từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á và ngược lại. Bên cạnh đó, nước ta được thừa hưởng rất nhiều vịnh, đảo và các bãi biển đẹp có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch, với những kỳ quan thế giới như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; vịnh Nha Trang nằm trong danh sách những vịnh đẹp nhất thế giới, được ví như “hòn ngọc Viễn Đông”; đảo Phú Quốc có rừng quốc gia và nhiều bãi biển, có cầu cảng nước sâu đón tàu khách quốc tế...

Khách du lịch tàu biển được xếp vào hạng thu nhập cao, 100% lưu trú trên tàu, chỉ xuống tàu đi tham quan ở một số điểm trong ngày. Do đó, đòi hỏi các điểm du lịch cần được làm mới và hấp dẫn hơn. Hiện nay, chỉ có tỉnh Quảng Ninh có cảng chuyên dụng đón tàu du lịch, còn lại đa số sử dụng cảng hàng hóa tổng hợp kếp hợp đón tàu du lịch. Cảng Nha Trang được Tập đoàn Vingroup mua lại cũng đang thiết kế và chuẩn bị cải tạo thành cảng du lịch đón tàu biển chuyên dụng.

Lệ Giang

Nguồn: Báo Biên phòng - bienphong.com - Đăng ngày 17/11/2022