Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2022 (COP27) vừa qua, Amazon và tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International) đã công bố việc thành lập Viện Carbon xanh quốc tế (International Blue Carbon Institute), hỗ trợ việc phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái carbon xanh miền duyên hải tại Đông Nam Á và các khu vực khác.
Carbon xanh là carbon được cất giữ trong các hệ sinh thái duyên hải và sinh thái biển, chẳng hạn như rừng ngập mặn, cỏ biển và các vùng đầm lầy thủy triều. Những hệ sinh thái này thu giữ và lưu trữ khối lượng lớn carbon trong cây cối và các lớp trầm tích bên dưới, nhờ đó được công nhận là một phần quan trọng của giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Viện Carbon xanh quốc tế sẽ được đặt tại Singapore, tập trung hỗ trợ khu vực Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương trong quá trình hiện thực hóa tiềm năng carbon xanh khổng lồ của các khu vực này. Khu vực Đông Nam Á chiếm tới hơn một phần ba diện tích rừng ngập mặn toàn thế giới, tuy nhiên đây cũng là khu vực có tổn thất lớn nhất về rừng ngập mặn.
Ảnh minh họa
Trong các khu vực ở châu Á và các đảo Thái Bình Dương, cộng đồng duyên hải ngày càng có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và các trận bão mạnh hơn. Các hệ sinh thái carbon xanh tăng cường khả năng phòng thủ của các cộng đồng chống lại hiệu ứng khí hậu, đồng thời cung cấp nước ngọt, hỗ trợ đa dạng sinh học và lợi ích tự nhiên khác. Viện Carbon xanh quốc tế với sự hỗ trợ của Bộ Phát triển kinh tế Singapore sẽ trở thành một trung tâm tri thức phục vụ mục đích xây dựng năng lực, trình độ, tiêu chuẩn và phương pháp luận để phát triển và mở rộng quy mô của các dự án carbon xanh khẩn cấp.
Trong năm đầu tiên, hoạt động này sẽ bao gồm xây dựng các công cụ hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái carbon xanh theo phương pháp khoa học, phát triển các hướng dẫn chính về carbon xanh trong chỉ tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), và mở rộng lượng kiến thức liên quan đến giá trị khí hậu của các hệ sinh thái cỏ biển và tảo bẹ.
Thu Thảo