Những năm qua, Hội Di sản văn hóa Việt Nam (DSVHVN) tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trên tất cả mọi mặt công tác.
Hội đã phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc tập hợp, đoàn kết hội viên, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo trong mỗi hội viên đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm Ngày DSVHVN (23/11), phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội DSVHVN tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên quê hương Quảng Bình.
P.V: Bảo vệ, phát huy giá trị DSVH là nhiệm vụ xuyên suốt của Hội DSVHVN tỉnh. Vậy xin ông cho biết những hoạt động cụ thể mà hội đã triển khai thực hiện?
- Ông Lê Hùng Phi: Xác định nhiệm vụ xuyên suốt là tuyên truyền, vận động cộng đồng, toàn xã hội chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH, thời gian qua, Hội DSVHVN tỉnh đã chỉ đạo các hội, chi hội cơ sở tiến hành sưu tầm, biên soạn, xuất bản gần 20 ấn phẩm văn hóa có giá trị phản ánh vùng đất, con người, văn hóa của từng địa phương, như: “Tuyên hóa Quê hương - Con người”, “Đồng Hới di sản và danh thắng”, “Bố Trạch miền di sản”, “Văn hóa ẩm thực người Nguồn”… Qua đó, đã lưu giữ nhiều tư liệu quý, phản ánh sinh động bức tranh DSVH của các địa phương.
Bên cạnh công tác xuất bản, sưu tầm, biên soạn ấn phẩm văn hóa, hội và các hội, chi hội cơ sở đã phối hợp xây dựng các phim phóng sự, ký sự phản ánh sinh động giá trị của DSVH của mỗi vùng quê, như: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình “Qua miền di sản”; phối hợp với kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phim tài liệu “Nẻo về nguồn cội”. Tiêu biểu là Hội DSVHVN TP. Đồng Hới đã phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố mở chuyên mục về “Quê hương - con người Đồng Hới” …
Nhiều hội viên đã tích cực sưu tầm, lưu giữ những tư liệu quý về phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt, lễ hội cổ truyền, trò chơi dân gian, món ăn truyền thống, làng nghề nổi tiếng… của các địa phương và biên soạn, xuất bản thành những ấn phẩm văn hóa. Tiêu biểu là những hội viên: Nguyễn Ngọc Trai, Đỗ Duy Văn, Đặng Thị Kim Liên, Trần Văn Chường, Lê Trọng Đại, Nguyễn Kim Cương…
Một trong những hoạt động thiết thực và có hiệu quả trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH là các đơn vị cơ sở đã thành lập, duy trì hoạt động của câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca mà lực lượng nòng cốt là hội viên hội DSVH, như: CLB ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), hò biển Nhân Trạch, hát tuồng bội Khương Hà (Bố Trạch), ca trù Phong Châu, hát Kiều cổ Lâm Lang (Tuyên Hóa), Yêu câu hò xứ Lệ (Lệ Thủy), các CLB hát ví, đúm, sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá (Minh Hóa)…
Hoạt động của những CLB đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng yêu dân ca, tránh nguy cơ thất truyền, biến dạng. Đặc biệt, từ các CLB đã truyền dạy, nuôi dưỡng, phát triển nhiều hội viên trẻ.
Công tác sưu tầm, dịch các văn bia, phong sắc… của CLB Hán - Nôm, Chi hội Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được duy trì, phục vụ cho công tác nghiên cứu văn bản cổ. Một số hội cơ sở đã tích cực tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ công nhận di tích, sưu tầm hiện vật phục vụ cho việc trưng bày tại nhà truyền thống, bảo tàng huyện. Tiêu biểu là các Hội DSVHVN huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa… đã vận động hội viên tham gia sưu tầm, hiến tặng hàng trăm hiện vật có giá trị.
Nghệ nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
P.V: Hội đã có những việc làm cụ thể nào trong việc tham gia tư vấn, phản biện, giám định, đánh giá các đề tài, đề án, công trình khoa học về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, thưa ông?
- Ông Lê Hùng Phi: Thời gian qua, hội cũng như các tổ chức hội cơ sở đã có những hoạt động thiết thực trên lĩnh vực tham vấn, phản biện và thực hiện các đề tài khoa học đạt chất lượng, hiệu quả tích cực.
Hội đã thực hiện 1 đề tài khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” đạt chất lượng và kết quả nghiệm thu tốt; tổ chức 1 hội thảo khoa học với chủ đề: “Từ tài nguyên văn hóa đến sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, thu hút 28 nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia.
Trên diễn đàn khoa học, nhiều hội viên đã phát huy năng lực, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, phản biện, có những bài viết mang tính định hướng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điển hình là Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái và các nhà nghiên cứu văn hóa: Nguyễn Ngọc Trai, Tạ Đình Hà, Lê Ngọc Đại… Nhiều hội cơ sở đã tích cực chủ động tham mưu cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy DSVH.
P.V: Theo ông, đâu là khó khăn trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị DSVH?
- Ông Lê Hùng Phi: Khó khăn nhất hiện nay là các nghệ nhân (NN) hội viên cơ bản tuổi đã cao, sức khỏe, trí nhớ hạn chế nên ảnh hưởng đến việc truyền dạy. Mặt khác, các chính sách đãi ngộ đối với NN, nhất là các NN được phong tặng nghệ nhân ưu tú (NNƯT), nghệ nhân nhân dân (NNND) chưa được thực hiện, chưa kịp thời động viên các NN tâm huyết truyền dạy, chuyển giao cho thế hệ trẻ. Việc tổ chức hoạt động của các CLB ở cơ sở vẫn mang tính tự nguyện, tự túc về kinh phí nên khó khăn trong việc duy trì sinh hoạt thường xuyên.
Một bộ phận quần chúng nhân dân (kể cả một số cán bộ, đảng viên) vẫn chưa nhận thức đúng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH, xem đó là việc của ngành Văn hóa, của chính quyền, chưa tạo được sự lan tỏa và chung tay của toàn xã hội…
P.V: Vậy phải làm gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên, thưa ông?
- Ông Lê Hùng Phi: Theo tôi, các ngành chức năng cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy chế về chính sách đãi ngộ đối với NN, nhất là những NNND, NNƯT, NN hoàn cảnh khó khăn càng sớm càng tốt vì các NN tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút; nên có chính sách hỗ trợ ban đầu đối với các CLB, tạo tính tự chủ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, nhất là DSVH phi vật thể…
P.V: Xin ông cho biết, thời gian tới, Hội DSVHVN tỉnh sẽ tập trung vào những hoạt động gì để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm?
- Ông Lê Hùng Phi: Hội sẽ tiếp tục khuyến khích các hoạt động sưu tầm, gìn giữ, truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa dân tộc cổ truyền, dân gian truyền thống, nhất là giá trị DSVH có nguy cơ thất truyền, mai một. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân và toàn thể hội viên tham gia vào công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng, nhà truyền thống; tham gia đề xuất, hiến kế trong xây dựng, tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng gắn với tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch, phát triển kinh tế của từng địa phương.
Nhiệm vụ trọng tâm của hội là phát triển các loại hình CLB dân ca, dân vũ, tham mưu đề xuất các chính sách đãi ngộ đối với NN, những hội viên có kinh nghiệm… Hội sẽ tiếp tục tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu văn hóa nhằm tuyên truyền, giáo dục về văn hóa và DSVH đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; tham gia hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các đề tài, đề án, công trình về bảo vệ, phát huy giá trị DSVH theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; đề xuất, tham vấn một số chính sách, giải pháp nhằm hiện thực hóa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nh.V (thực hiện)