Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo - người đã có nhiều năm gắn bó nghiên cứu hệ sinh thái Ramsar Côn Đảo. Với ông, càng tìm hiểu càng cảm thấy khó mà hiểu hết sự độc đáo, thú vị nơi đây.
Khách du lịch nước ngoài thích thú khi tham gia đi bộ trong rừng thuộc khu Ramsar Côn Đảo.
Hệ sinh thái thiên nhiên đặc biệt
Từ trung tâm thị trấn Côn Sơn, ngược về đường Ma Thiên Lãnh khoảng 2km, chúng tôi ghé Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo. Tiếp chúng tôi, ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo, chia sẻ: “Càng nghiên cứu sâu càng cảm thấy mình chưa hiểu hết, càng cụ thể càng cảm thấy thú vị. Vì vậy, người đến Côn Đảo nhiều lần vẫn thấy hòn đảo hấp dẫn”.
Theo ông Huệ, năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu. Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
VQG Côn Đảo hiện có 14.000ha đất ngập nước (ĐNN), trong đó, có khoảng 2.113ha vùng ĐNN mặn ven biển gồm các vịnh nông khi triều thấp, các khu vực bờ biển, ven biển có đá, cát, sỏi, vùng có rừng ngập mặn.
Khu Ramsar Côn Đảo được xem là mẫu chuẩn về sự độc đáo của một vùng đất ngập nước. Trong ảnh: Mũi Cá Mập nhìn từ trên cao.
Hệ động vật rừng Côn Đảo được ghi nhận với 144 loài, trong đó lớp thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài... 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.
Theo các nhà nghiên cứu, vùng ĐNN ở Côn Đảo là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp nhiều loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Vùng ĐNN cũng là kho nguyên liệu gen thực vật.
Trong số các vùng ĐNN ở Côn Đảo, rừng ngập mặn có diện tích hơn 30ha, là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam. Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau với diện tích không lớn nhưng đa dạng, khu vực lớn nhất khoảng 5,9ha, nhỏ nhất khoảng 0,5ha.
Du khách đến tham quan hòn Bảy Cạnh bằng ca nô.
Các rạn san hô ở Côn Đảo cũng thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1,8ha. Các rạn san hô ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao với hơn 342 loài, 61 giống, 17 họ đã được ghi nhận trong vùng.
Hội tụ 4 hệ sinh thái
Theo đánh giá của Viện hải dương học Nha Trang, vùng biển Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, còn tương đối tính nguyên vẹn về phân bố, cấu trúc của thành phần sinh vật biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, thân mềm, bò sát biển, thú biển, sự phân bố của các loài cá ở 3 tầng mặt, giữa và đáy biển.
VQG Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới, là giao điểm hội tụ rất nhiều sinh vật biển từ cả phía Bắc, phía Nam biển Đông. Ông Nguyễn Đức Tú, Ban Thư ký Công ước Ramsar cũng khẳng định, VQG Côn Đảo là mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu ĐNN tự nhiên ở vùng biển phía Đông Nam của Việt Nam và khu vực.
VQG gồm 2 hợp phần bảo tồn rừng và biển. Hợp phần bảo tồn rừng là hình ảnh của rừng Việt Nam thu nhỏ vì có các loài thực vật đại diện cho các kiểu rừng, các hệ sinh thái của 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Ông Trần Đình Huệ phân tích, rừng có giá trị đa dạng cao về hệ sinh thái, về nguồn gien và về loài; đa dạng về công dụng; giá trị về phòng hộ và giá trị về nghiên cứu khoa học, giáo dục. Còn hợp phần bảo tồn biển, Côn Đảo được đánh giá là vùng biển ít bị tác động của con người, có các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới với đa dạng sinh học cao, là mẫu chuẩn của vùng biển Việt Nam. Ba hệ sinh thái chính ghi nhận tại đây là rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô.
Vì vậy, Côn Đảo là khu vực ưu tiên mang tầm quốc gia và quốc tế trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học. Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và chiến lược GEF quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt năm 1995 xếp Côn Đảo là khu vực ưu tiên hàng đầu.
Ngày 18/6/2013, VQG Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (Wetlands of International Importance). VQG Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Bài, ảnh: Quang Vũ