Đắk Nông gắn phát triển OCOP với du lịch trải nghiệm

Cập nhật: 24/11/2022
Từ khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai tại Đắk Nông, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, HACCP… Nhờ đó không chỉ xây dựng được quy mô sản xuất mà còn nâng tầm được chất lượng các sản phẩm về giá trị, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông đã đáp ứng đủ các điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại trong phạm vi toàn quốc. Sản phẩm OCOP Đắk Nông cũng từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập cho cộng đồng, tạo ra công ăn việc làm, phục hồi và phát triển sản phẩm truyền thống, tạo ra sự hấp dẫn cho khu vực nông thôn, giúp thu hút nguồn lao động, nguồn vốn cho khu vực này. Các đơn vị tham gia xác định, sản phẩm được công nhận OCOP sẽ góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Công bố và trao quyết định chứng nhận OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Hiệu quả bước đầu từ chương trình OCOP trên địa bàn

Thực tế tại Đắk Nông, nhiều chủ thể OCOP đã không ngừng chăm chút cho mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm xây dựng, khẳng định tên tuổi trên thị trường. Sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông đã đáp ứng đủ các điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại trong phạm vi toàn quốc.

Dựa trên kinh nghiệm triển khai của một số tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Đắk Nông xác định tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong sản xuất nông nghiệp và bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ tháng 5/2019 đến nhiều cấp, ngành, đoàn thể... Nhờ đó, Chương trình nhận được sự tham gia từ nhiều hộ dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã..., cộng đồng xã hội đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của Chương trình OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều tổ chức kinh tế, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp bài bản, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có từ 28 - 30 nhóm sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Cụ thể, theo thống kê, năm 2021, Đắk Nông đã công nhận 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm hạng 4 sao, còn lại 3 sao. Tổng cộng, Đắk Nông đã có 52 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm hạng 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao. Đến hết tháng 8/2022, tỉnh Đắk Nông đã có 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao được công nhận. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp như phối hợp tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng đạt chứng nhận 3-4 sao. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng được chú trọng nhiều hơn.

Ngoài việc tổ chức hội nghị kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP thu hút nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh Đắk Nông tham dự, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông đến với các nhà phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước. Đồng thời, qua hội nghị, tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh Đắk Nông đã đúc rút, nghiên cứu nhu cầu của thị trường, kết nối phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả kinh tế cải thiện thu nhập cho nông dân đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã.

Tỉnh cũng triển khai đồng bộ việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật tới người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện khuyến công, xúc tiến thương mại, tiến tới quy hoạch các vùng sản xuất an toàn tập trung, tăng cường kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm gắn kết hiệu quả việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tới đây, việc triển khai Chương trình OCOP Đắk Nông sẽ hướng tới việc khuyến khích và hướng dẫn người dân, chủ thể kinh tế tham gia tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, bảo đảm tính cộng đồng cao, chất lượng tốt và quy mô sản xuất đủ lớn để đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đắk Nông sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đắk Nông tìm cách phát triển độc đáo các sản phẩm OCOP của địa phương (Ảnh: HNV)

Chung tay xây dựng thương hiệu OCOP Đắk Nông

Điểm sáng tạo của Đắk Nông với chương trình OCOP còn thể hiện ở việc tỉnh này hiện đã và đang đẩy các tuyến du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong đó có lồng ghép quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Theo hình thức này, du khách có thể đến tham quan nhà xưởng sản xuất, quy trình chế biến và trực tiếp thực hiện các công đoạn làm ra sản phẩm OCOP. Từ đó giúp sản phẩm được giới thiệu sâu rộng đến khách hàng trong và ngoài tỉnh nhiều hơn. Một số HTX, địa phương trên địa bàn đã kết hợp khá hiệu quả việc cung cấp dịch vụ du lịch thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tại Krông Nô, các mô hình trồng nấm, sản xuất cà phê hữu cơ; HTX Buôn Choáh sản xuất gạo; HTX Dịch vụ bơ núi lửa sản xuất bơ; HTX Hữu cơ An Tâm với mô hình cây ăn trái hữu cơ kết hợp tham quan, du lịch sinh thái…

Theo Sở NNPTNT, để sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cần phải có sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn nữa. Cụ thể, các doanh nghiệp, HTX, trang trại… sớm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để cung cấp cho du khách. Trong khi đó, các ngành chức năng sẽ hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương, nhất là các khu du lịch… Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân sẽ được khuyến khích mạnh dạn đầu tư và tham gia vào các hoạt động du lịch; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách du lịch đến tận thôn, buôn…

Chương trình OCOP được coi là cơ hội giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng. OCOP cũng từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của cư dân nông thôn. Với Đắk Nông, đây được đánh giá là chương trình góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương một cách hiệu quả.

Theo đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, Chương trình OCOP đã giúp phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Với phương châm "Chất lượng làm nên thương hiệu", hiện nay rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho Chương trình, sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tạo làn gió mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp trên phạm vi địa phương và cả nước" - đồng chí Y Biêr Niê nhấn mạnh./.

Hà Anh

Nguồn: Báo Đảng cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 23/11/2022