Việt Nam có tài nguyên di sản địa chất phong phú, giới chuyên gia cho rằng nếu biết cách khai thác, đây là đòn bẩy cho phát triển du lịch, kinh tế xã hội tại các vùng núi cao.
Tài nguyên di sản địa chất ở Việt Nam trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây đã bước đầu được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Đến nay đã có 5 di sản địa chất được UNESO công nhận. Trong số này có 3 công viên địa chất toàn cầu là công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận năm 2010; Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng được công nhận năm 2018; Công viên địa chất toàn cầu hang động núi lửa Đắk Nông được công nhận năm 2020. Ngoài ra, Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, được UNESCO công nhận 2 lần vào các năm 1994 (theo tiêu chí cảnh quan) và năm 2000 (theo tiêu chí địa chất) và Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, được UNESCO công nhận năm 2003 theo tiêu chí địa chất.
Vẻ đẹp của Công viên địa chất Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng)
Các khu vực có tiềm năng đề nghị xây dựng các khu bảo tồn di sản địa chất và công viên địa chất: Khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa - Cam Đường (Lào Cai); khu vực chùa Hương Tích (Hà Nội); khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội); khu vực Đầm phá Tam Giang - Vịnh Chân Mây (Thừa Thiên Huế); khu vực Cù Lao Chàm - hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam); khu vực Bình Sơn - Lý Sơn (Quảng Ngãi); khu Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu dự trữ sinh quyển biển Kiên Giang - Phú Quốc (Kiên Giang)...
Phát huy giá trị như thế nào?
Du lịch địa chất là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục, và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương có liên quan, đã được áp dụng từ lâu ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
Để phát huy tốt tiềm năng Di sản địa chất, một số chuyên gia cho rằng cần hiểu rõ dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của di sản địa chất để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với từng địa phương mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt, kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch địa chất phát triển theo hướng đột phá, bền vững và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch phối hợp cụ thể để bảo vệ, bảo tồn, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các di sản địa chất cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, bởi theo thời gian, chúng sẽ đứng trước các nguy cơ bị hủy hoại bởi tác động của các điều kiện tự nhiên và con người.
Tú Quyên