Hiện nay, rác thải nhựa (RTN) đang là thách thức lớn đối với môi trường, theo thống kê, hàng năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn RTN, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Tác hại của ô nhiễm không khí, ô nhiễm do rác thải nhựa
RTN gây ra những nguy hại khôn lường cho môi trường do chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất, đặc biệt, các loại chai nhựa có thời gian tồn tại khi được thải ra ngoài môi trường lên đến 450 - 1.000 năm. Tuy nhiên, ngay cả khi RTN bị phân rã, chúng không biến mất hoàn toàn mà thay vào đó sẽ tan thành những mảnh vụn nhỏ. Nguy hiểm hơn khi phần lớn RTN hiện nay đang bị vứt ra ngoài đại dương, gây hại cho các sinh vật biển khi tiếp xúc. Bên cạnh đó, sự tồn tại của RTN gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với đất và nước. Khi RTN lẫn vào trong đất, chúng sẽ làm cho đất bị xói mòn, không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn oxy đi qua đất gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng.
Ngoài ra, khi RTN bị thải bỏ xuống những nguồn nước như ao, hồ, sông ngòi sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn, ứ đọng nước thải khiến cho ngập úng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Khi nguồn nước và đất bị ô nhiễm bởi RTN, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng do chúng luôn tồn tại những hóa chất độc hại gây ra các bệnh về nội tiết, giảm khả năng miễn dịch và ung thư.
Cùng với RTN, ô nhiễm không khí (ÔNKK) cũng là một vấn đề phải kể đến. Hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, mật độ ÔNKK luôn ở mức cao. ÔNKK mang lại rất nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người do trong đó chứa các loại khí độc hại như CO, SO2, NO2, chì… có khả năng làm tăng nguy cơ khiến con người mắc bệnh về đường hô hấp, ung thư, các bệnh về hệ thần kinh như Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng về tâm lý, tự kỷ, dễ cáu gắt. Không chỉ vậy, ÔNKK còn gây ra các bệnh về mắt. Do đó, ÔNKK đang đe dọa đến tính mạng con người nếu như chất lượng không khí không được cải thiện.
Tận dụng vỏ chai nhựa để trồng cây góp phần bảo vệ môi trường
Cây xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm sạch không khí, ngày nay, nhiều cá nhân, hộ gia đình ý thức và hiểu rõ được lợi ích của việc trồng cây, tái chế rác thải, đã tận dụng vỏ chai nhựa đã qua sử dụng để làm vật dụng trồng cây, góp phần làm giảm thiểu đáng kể lượng RTN ra môi trường. Không chỉ vậy, cách này còn có thể góp phần cải thiện không khí xung quanh vì một chai nhựa có thể dùng để trồng được 2 loại cây do chỉ cần sử dụng ½ chai cho 1 loại cây. Số lượng cây trồng nhiều đồng nghĩa với việc lượng ô xy từ cây tỏa ra môi trường sẽ tăng và lượng khí thải sẽ được những loại cây kia thu lại.
Việc trồng cây trong chai nhựa còn có tác dụng để trang trí trong nhà, do đó việc này không chỉ khiến cho không gian thêm xanh mà còn gián tiếp thúc đẩy người trồng tích cực tái chế chai nhựa. Khi cây được trồng trong chai nhựa, nó không đơn thuần chỉ để phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của người sử dụng mà còn có thể được dùng để làm vật trang trí cho căn nhà. Vì thế, người sử dụng sẽ tận dụng những chai nhựa đã qua sử dụng để trở thành vật trang trí hoặc biến những chai nhựa đó thành một vật dụng khác. Qua đó, việc loại bỏ chai nhựa đã qua sử dụng ra môi trường sẽ được hạn chế một cách đáng kể.
Mặt khác, hành động tận dụng chai nhựa đã qua sử dụng để trồng cây sẽ trở thành nguồn động lực cho việc tái chế những đồ nhựa dùng một lần khác. Khi những chai nhựa được tích cực sử dụng thành công cụ trồng cây, việc này sẽ dần được lan tỏa khiến cho những người sử dụng khác có thể sẽ tiếp thu hiệu ứng, biến những vật dụng nhựa dùng một lần khác thành những đồ vật hữu ích thay vì biến chúng thành RTN đem bỏ ra ngoài môi trường.
Có thể thấy, sử dụng những chai nhựa đã qua sử dụng cho việc trồng các loại cây ngay tại chính không gian trong mỗi hộ gia đình là một biện pháp kết hợp hiệu quả, đóng góp một phần không nhỏ trong việc giải quyết 2 vấn đề gây ra tác động lớn đến môi trường hiện nay đó là RTN và ÔNKK. Tuy nhiên để biện pháp này được phát huy một cách có hiệu quả, người sử dụng cần phải lưu tâm, chú trọng đến những phương thức áp dụng hợp lý nhằm giúp bảo vệ môi trường.
Đức Anh