Sau gần 10 năm được công nhận là khu Ramsar của thế giới, thành tựu quan trọng nhất của khu Ramsar Côn Đảo là đã phục hồi thành công rạn san hô và trở thành nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.
Lực lượng kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh kiểm tra các khu vực ấp trứng rùa.
San hô đang sinh sôi
Vùng biển Côn Đảo được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với rạn san hô đóng vai trò quan trọng, chiếm diện tích khoảng 2.000ha. Tuy nhiên, từ năm 1997, san hô ở vùng biển Côn Đảo phát triển chậm, nhiều nơi bị chết và tẩy trắng. Đến tháng 5/2016, vùng biển thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo tiếp tục xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng (bleanching) và chết khoảng 400ha, tương đương 20% tổng diện tích san hô.
Qua thống kê, 8 khu vực chính có san hô bị tẩy trắng và chết, bao gồm: khu vực biển Côn Sơn, Hòn Tài, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Đầm Tre, Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ và Ông Đụng. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất là các loài san hô cành, kế đến là san hô khối, san hô phiến và san hô nấm.
Sau 2 năm thực hiện (từ tháng 10/2018 đến 9/2020), dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar VQG Côn Đảo” đã tổ chức phục hồi san hô cứng ở 3 khu vực: Đất Dốc, Tây Nam Hòn Tài và Bãi Cát lớn. Tổng cộng trên 6.000 mảnh tập đoàn san hô đã được di dời và cố định trên diện tích 3ha, mỗi khu vực 1ha.
|
Nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái rạn san hô tại các khu vực không còn khả năng phục hồi tự nhiên, giảm thiểu suy thoái đa dạng sinh học biển, VQG Côn Đảo và Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp thực hiện dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar VQG Côn Đảo”.
Đối với san hô phục hồi trên nền đáy tự nhiên ở Đất Dốc và Tây Nam Hòn Tài (trên 4.400 tập đoàn), tỉ lệ sống trung bình của 5 loài san hô phục hồi là 82,1% và 82,9%. Trong khi đó, việc phục hồi trên nền đáy nhân tạo là các bồn bê tông (trên 1.600 tập đoàn) cho tỷ lệ sống cao hơn (khoảng 85,6%). Một số san hô cứng có hình dáng và màu sắc đẹp cho tỷ lệ sống đến 100%.
Theo PGS.TS.Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, san hô Côn Đảo chịu nhiều tai biến nhưng điều may mắn là khả năng tái tạo tự nhiên của các rạn san hô rất tốt, độ phủ san hô cao. Đến nay, các rạn san hô bị chết, tẩy trắng đã được phục hồi gần như hoàn toàn và chúng đang sinh sôi, nảy nở trên vùng biển Côn Đảo. Hoạt động phục hồi san hô cứng trong khuôn khổ dự án đã góp phần cải thiện 3 vùng rạn, làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn.
“Đến nay việc phục hồi san hô đã đạt các tiêu chí cơ bản nhất trong đánh giá hiệu quả san hô phục hồi bao gồm: tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của các tập đoàn san hô và các đặc điểm về sinh cảnh của vùng phục hồi như sự thay đổi độ phủ của các hợp phần đáy, sự xuất hiện của các loài có giá trị kinh tế, sinh thái, sự gia tăng mật độ cũng như kích thước của quần xã sinh vật rạn”, PGS.TS.Võ Sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Khách du lịch lặn ngắm san hô tại vùng biển Côn Đảo.
Nơi đầu tiên thành công bảo tồn rùa biển
Nếu như phục hồi san hô thành công được xem là “điểm cộng” cho khu Ramsar Côn Đảo, việc bảo tồn và phát triển các bãi đẻ của rùa biển đã tạo tiếng vang lớn cho VQG Côn Đảo trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo, từ năm 1994, Ban Quản lý VQG Côn Đảo đã tiến hành chương trình bảo tồn rùa biển với nội dung: nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển thông qua hoạt động đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời tổ trứng đến nơi an toàn; xây dựng trại giống thông qua hoạt động tạo trạm ấp trứng an toàn; kiểm tra và thả rùa con về biển.
Hoạt động bảo vệ rùa biển là một thành công nổi bật của VQG Côn Đảo, từ đó, đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp của toàn thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách đến với Côn Đảo, góp phần kích cầu phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo
|
Đặc biệt, VQG Côn Đảo còn triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo giai đoạn 2017-2020 trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ban Quản lý VQG Côn Đảo còn phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort triển khai phương án phục hồi và bảo tồn bãi rùa đẻ tại bãi Đất Dốc với số rùa con được cứu hộ, quản lý thả về biển là 192.302 cá thể.
Nhiều năm qua, bảo tồn rùa biển đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và được sự chung tay góp sức của người dân cũng như chính quyền các cấp tại Côn Đảo. Hiện VQG Côn Đảo có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, với tổng diện tích các bãi đẻ hàng chục ngàn m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều như bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, bãi cát lớn Hòn Cau, bãi cát lớn Hòn Tre lớn, bãi cát Hòn Tài và bãi Dương Hòn Bảy Cạnh. 5 bãi này được bố trí 5 trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Lực lượng chức năng cứu hộ, đưa rùa lên bờ đẻ trứng tại Hòn Bảy Cạnh.
“Từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc VQG Côn Đảo làm tổ, đẻ trứng. Có hơn 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre lớn, mỗi đêm có 10-20 rùa mẹ lên làm tổ”, ông Huệ thông tin.
Với những nỗ lực đó, VQG Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm hơn 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể rùa xanh lớn của khu vực Đông Nam Á. Do đó, VQG Côn Đảo được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Quang Vũ