Nhằm phát huy giá trị tài nguyên văn hóa bản địa trong phát triển du lịch, thời gian tới ngành Du lịch tỉnh Bình Định đẩy mạnh việc xây dựng các dịch vụ, chương trình biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc văn hóa Chăm phục vụ du lịch, đồng thời số hóa các di tích Chăm, qua đó góp phần phát huy giá trị di tích vào du lịch, đồng thời mở hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững.
Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cho biết, Bình Định là vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ - nơi định đô khá dài (từ thế kỷ XI - XV) và phát triển rực rỡ của nền văn hóa Champa. Toàn tỉnh có 142 di tích được xếp hạng. Trong đó, nổi bật là hệ thống di tích tháp Chăm với 8 cụm, 14 tháp mang phong cách kiến trúc của thời kỳ Vijaya đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Riêng tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài kiến trúc tháp Chăm, Bình Định còn có 3 di tích thành cổ, gồm: Thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại. 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc Champa nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Nhiều tác phẩm điêu khắc đá Champa độc đáo, trong đó, có 9 tác phẩm điêu khắc đá Champa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia. Hệ thống tháp Chăm tại Bình Định hầu hết còn khá nguyên vẹn, phản ánh một phong cách kiến trúc riêng của nghệ thuật Champa thời kỳ Vijaya; chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo và là một nguồn tài nguyên du lịch mang đặc trưng vùng miền.
Các di tích tháp Chăm trở thành nguồn tài nguyên giá trị trong phát triển du lịch tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Tiến Đạt
Nhận thức rõ tiềm năng trên, nhiều năm qua, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là tour tham quan tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn)… Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại Vụ, Đài phát thanh truyền hình Bình Định triển khai gắn mã QR thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các tour du lịch đến các di sản văn hóa Champa vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, cần tiếp tục quan tâm để có những phương án khai thác, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho phát triển du lịch.
Mới đây, tại tọa đàm với chủ đề “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định trong phát triển du lịch” nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy hiệu quả tài nguyên trên trong phát triển du lịch mang dấu ấn của địa phương, tỉnh Bình Định cần tăng cường các giải pháp trong việc bảo tồn, quảng bá phát huy giá trị các tháp Chăm Bình Định như: Liên kết tour du lịch đưa du khách đến tham quan các di tích tháp Chăm, số hóa di tích tháp Chăm; khai thác một số loại hình dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tháp Chăm theo hướng phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay, qua đó, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, tạo ra điểm đến hấp dẫn, đưa ngành du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Các cụm di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang được khai thác trở thành điểm đến thu hút du khách. Ảnh: Phước Hoài
Sở Du lịch tỉnh Bình Định đề xuất, để hoạt động du lịch bền vững, cần thực hiện quy hoạch, chọn lựa những tháp Chăm đặc trưng, thuận lợi cho việc đưa đón khách đến tham quan; đa dạng hóa các hoạt động tại tháp Chăm. Ngoài ra, các cơ quan cần phối hợp xây dựng những sản phẩm du lịch Chăm độc đáo thu hút du khách đến tìm hiểu, tránh sự nhàm chán như: tổ chức các trò chơi dân gian, phục dựng làng nghề truyền thống điêu khắc Champa, tiến đến quy hoạch thành các làng nghề cụ thể, trên cơ sở các di tích văn hóa Champa đã được xếp hạng; hỗ trợ các nghệ nhân điêu khắc phát triển nghề, từng bước hình thành các sản phẩm lưu niệm Chăm độc đáo; tiếp tục hoàn chỉnh, số hóa các bài thuyết minh tại các tháp Chăm để giúp du khách tiếp cận thông tin và tìm hiểu về văn hóa Chăm.
Đồng thời, tỉnh tổ chức các đoàn Famtrip, chuyên gia nhằm khảo sát tiềm năng du lịch văn hóa, trong đó có tháp Chăm để từng bước đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp để kết hợp phát triển sản phẩm du lịch gắn với các loại hình du lịch khác như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch nghiên cứu, giáo dục…
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Bình Định đã có sự hồi phục nhanh sau đại dịch, đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế 10 tháng của năm 2022, ngành Du lịch tỉnh ước đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có gần 62.500 lượt khách quốc tế. Dự kiến, đến hết năm 2022, địa phương đón khoảng 4,1 triệu lượt khách.
Đức Cường