Đắk Lắk: Voi bản làm du lịch sinh thái

Cập nhật: 16/06/2009
Khu du lịch sinh thái - văn hoá Bản Đôn đã huy động đội voi 8 con là những chú voi nhà của bà con trên địa bàn tham gia làm du lịch; tạo việc làm cho hơn 130 người, trong đó có 40 người là dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Khu du lịch sinh thái - văn hoá Bản Đôn, do Công ty Cao su Đắk Lắk đầu tư xây dựng, ở địa bàn buôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đây là vùng đất có những nét văn hoá hết sức độc đáo, nơi có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, có đại ngàn Vườn Quốc gia Yók Đôn với những sản vật quý.

Việc đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn được triển khai từ năm 2005, trên diện tích tự nhiên 1.336ha, trong đó có 200 ha hồ nước, còn lại là rừng tự nhiên. Sau hơn hai năm đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường tham quan, nước, điện sinh hoạt, khu nhà nghỉ, khu vui chơi, khu dịch vụ cơ bản đã được hoàn tất và bước đầu đón khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh Lý Trọng Minh, Phó Giám đốc Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn cho biết, mục tiêu của khu du lịch này là nhằm bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ đàn voi nhà, bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng và không gian lễ hội; khôi phục nghề dệt thổ cẩm, khôi phục văn hoá tượng dân gian Tây Nguyên; tiêu thụ nông sản và tạo việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Hiện nay, khu du lịch đã huy động đội voi 8 con là những chú voi nhà của bà con trên địa bàn tham gia làm du lịch; tạo việc làm cho hơn 130 người, trong đó có 40 người là dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Du khách đến với Khu du lịch văn hoá -sinh thái Bản Đôn sẽ được cưỡi voi xuyên rừng Yók Đôn với chiều dài đường nội vùng 16km, du thuyền độc mộc trên hồ Đắk Mil rộng 200ha; cùng các nghệ nhân phục dựng hoạt động săn bắt và thuần dưỡng voi; thực hiện những chuyến đi bộ khám phá.

Hàng đêm, du khách còn được đắm mình vào những lễ hội của Tây Nguyên như lễ hội diễn tấu cồng chiêng, lễ mừng mùa, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lửa trại rượu cần; hoặc đắm say trong vòng xoan, trong điệu hát Ay-ray của các nghệ nhân, trong lời kể Khan (sử thi) của già làng Tây Nguyên; được thả cho trí tưởng tượng của mình bay bổng theo những đường nét, hình dáng của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được tạo bởi những bàn tay tài hoa của nghệ nhân buôn làng Tây Nguyên. Khu nhà nghỉ lưu trú cũng đã được đầu tư xây dựng, trong đó có nhà dài của người Êđê, nhà gỗ của người Lào với sức chứa 250 người/đêm.

Có thể nói, với những gì Khu du lịch văn hóa - sinh thái đã và đang đầu tư, hứa hẹn đây sẽ là điểm du lịch lý thú, hấp dẫn thu hút du khách đến với Tây Nguyên. Những người có trách nhiệm ở khu du lịch này còn thổ lộ những ý tưởng hết sức độc đáo: Trong tương lai không xa, tại khu du lịch này những nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp sức xây dựng sân golf hiện đại, phục vụ việc chơi golf trên lưng voi; đầu tư hình thành khu nuôi thú bán hoang dã rộng 360ha.

Điều đặc biệt ở Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn là những nhân viên người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đều có những hiểu biết nhất định về văn hóa bản địa của dân tộc mình, từ đó thành lập ra các đội: cồng chiêng, hát múa dân ca, dệt thổ cẩm, kể sử thi... phục vụ du khách đến đây.

Chính những nét sinh hoạt văn hóa, chính thế mạnh về điều kiện thiên nhiên, nhất là rừng đã và đang tạo ra sự hấp dẫn, nét đẹp riêng cho Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn. Phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa, bảo vệ rừng, tạo việc làm cho người dân bản địa là hướng đi đúng, mang lại sự phát triển bền vững cho du lịch Đắk Lắk

 

Nguồn: Theo CAND