“Một lần về U Minh, nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau”, giọng ca trong bài “Áo mới Cà Mau” thật ngọt ngào nhưng vẫn khiến chúng tôi hồi hộp khi bước chân vào Vườn quốc gia U Minh Hạ, khu rừng ngập nước hoang sơ và huyền bí ở gần tận cùng phía nam Tổ quốc.
Nhớ rừng U Minh Hạ
Rời thành phố Cà Mau chừng 40km là tới cửa rừng ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Không thể bỏ qua đài quan sát ở độ cao 24m, nơi cho cái nhìn toàn cảnh về hàng nghìn ha rừng rậm rạp soi bóng trên những dòng kênh trong xanh. U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận và bảo tồn. Với những người từ phương xa và ham khám phá như chúng tôi, bất kỳ loài động vật hay thực vật nào ở đây trông cũng kỳ lạ, thú vị.
Từ tháng 11 đến tháng 4 là lúc nước về U Minh Hạ giúp các chuyến trải nghiệm bằng vỏ lãi (tên gọi một loại thuyền) vào sâu trong rừng trở nên dễ dàng hơn. Lênh đênh trên sông nước U Minh Hạ, chúng tôi có dịp nhìn ngắm những loài cây đặc trưng của vùng đất ngập nước trên than bùn, như tràm, móp, sậy, choại… Có những đoạn tán cây trên đầu ken nhau dày đặc cùng với những thân cây tầm gửi chỉ vài luồng sáng nhỏ xíu lọt được qua. Muỗi U Minh Hạ cũng thật nhiều và to, may mà ai cũng chuẩn bị trang phục kín đáo. Rừng già nơi đây là “nhà” của vô số sinh vật quý hiếm, song người dân kể phải đi đêm mới có thể gặp nhiều, còn giữa ban ngày, chúng tôi chỉ quan sát được một số loài chim, khỉ, rùa.
Một nét độc đáo nữa của mặt nước U Minh Hạ là những mảng bèo kết thành tấm thảm xanh mơn mởn. Bèo tấm, bèo cái, bèo hoa dâu, bèo tai tượng, lục bình… trở thành phông nền ấn tượng cho những bức ảnh “check-in” của khách tham quan. Mùa mưa, đôi lúc bất chợt trời đổ mưa rào, song cũng tạnh nhanh, để lại bầu trời xanh ngắt. Người dân bản địa vừa làm công việc mưu sinh thường nhật, vừa sẵn lòng đưa các đoàn du khách cùng trải nghiệm chèo thuyền, giăng câu, đặt trúm lươn, tát đìa, hái bồn bồn…
Chúng tôi đến U Minh Hạ cũng đúng vào mùa “ăn ong”, được theo chân những người thợ gác kèo đi lấy mật ong hoa tràm, thưởng thức tại chỗ món mật óng ả thơm lừng, ngọt lịm, thêm cảm xúc khó quên cho chuyến thăm đất rừng phương nam.
Bài và ảnh: Hải Lâm