Cùng với nỗ lực đầu tư đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến… thì việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Trên chặng đường phát triển du lịch, vấn đề này luôn được địa phương và ngành rất quan tâm nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Được biết từ năm 2007, ngành đã xúc tiến ký kết triển khai chương trình liên kết Tam giác phát triển du lịch “Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh” và đạt kết quả đáng khích lệ. Theo đó, ngành chức năng của các tỉnh, thành cũng xây dựng được chương trình liên kết đặc thù theo hướng du lịch sinh thái rừng - sinh thái biển - tham quan mua sắm - hội nghị hội thảo. Đồng thời tập trung thu hút và triển khai nhiều dự án đầu tư tạo sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ du khách, chú trọng tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá cho Tam giác du lịch…
Liên kết sản phẩm theo chủ đề “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” trong Tam giác du lịch Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nổi bật là liên kết sản phẩm theo chủ đề “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” đã quảng bá những đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương đến du khách trong lẫn ngoài nước. Thông qua chương trình, doanh nghiệp lữ hành xây dựng và thực hiện nhiều tour du lịch kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng với các sản phẩm đa dạng mang nét đặc trưng núi rừng - biển đảo. Thực tế cũng cho thấy, kết nối Tam giác du lịch “Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh” là một trong những tour du lịch nội địa phổ biến và khai thác hiệu quả, ước thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Thời gian qua, Bình Thuận cũng hướng đến liên kết phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng, nhất là phát triển du lịch khu vực duyên hải miền Trung, Tây nguyên trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Dù vậy để bảo đảm hiệu quả của liên kết vùng, cần thiết có sự hỗ trợ nhất định của cơ quan quản lý ngành từ Trung ương đến chính quyền các địa phương. Như đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng đáp ứng yêu cầu tổ chức các tour - tuyến liên kết sản phẩm, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá ra nước ngoài, định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng…
Với chính quyền các địa phương thì quan tâm phát triển gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch, trong khi sở chức năng cần nghiên cứu thế mạnh để quy hoạch xây dựng sản phẩm đặc trưng của mình, từ đó tham gia liên kết cùng phát triển. Mặt khác còn tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách cũng như xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện, áp dụng công nghệ trong quảng bá xúc tiến. Hay như tính tới phát hành ấn phẩm quảng bá chung cho sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương trong vùng (bằng tiếng Việt - Anh - Nga), hoặc nghiên cứu tổ chức và tham gia các chương trình quảng bá chung tại nước ngoài.
Bước sang giai đoạn mới, đặc biệt tới đây địa phương sẽ đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh cũng là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành, khu vực trong cả nước. Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế và thương hiệu điểm đến đã được khẳng định, Bình Thuận sẵn sàng tăng cường hợp tác, liên kết du lịch đem lại hiệu quả để cùng nhau phát triển bền vững…
Đ.Quốc