Những năm qua, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã linh hoạt liên kết hợp tác phát triển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch vùng. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc liên kết phát triển chưa khai thác hiệu quả các giá trị lợi thế.
Vẻ đẹp đô thị Phước Long (Bình Phước) dưới chân núi Bà Rá. (Ảnh: Nhất Sơn)
Trong bảy vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển - đảo. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nhiều phong trào yêu nước trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc gắn liền với tên gọi "Miền Đông gian lao mà anh dũng".
Vùng Đông Nam Bộ là địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu ái với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm.
Đa dạng và hấp dẫn
Với hàng trăm ki-lô-mét bờ biển cùng nhiều danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Những năm gần đây Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung đầu tư, xây dựng tuyến đường ven biển nối Vũng Tàu với các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, nhanh chóng biến nhiều vùng đất hoang vắng thành những "điểm đến" hấp dẫn nhà đầu tư và du khách. Nhiều địa danh dần trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, như Bình Châu - Hồ Cốc, Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc), Long Hải (huyện Long Điền). Đặc biệt, với việc mở rộng sân bay Côn Đảo, mở mới nhiều tuyến tàu cao tốc tới đảo, huyện Côn Đảo đang dần trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng - tâm linh nổi tiếng cả nước, với hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm đảo mỗi năm. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết: Tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong bốn trụ cột kinh tế của địa phương. Việc thu hút đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Vũng Tàu thân thiện, mến khách luôn được tỉnh quan tâm.
Khi nói đến vẻ đẹp của Bình Phước, nhiều người thường ví như cô gái đang độ tuổi xuân thì. Đó là những dòng thác Đắk Mai, thác Voi, thác Mơ… đổ vào dòng sông Bé, sông Đồng Nai chảy mềm mại như mái tóc dài của cô gái được những làn gió đại ngàn thổi bay bồng bềnh uốn lượn. Đó là trảng cỏ thuộc xã Bình Phước, huyện Bù Đăng trải rộng đến ngút tầm mắt điểm tô thêm hồ nước trong veo và những cánh rừng xanh cho du khách tận hưởng không khí của thảo nguyên trong lành. Đó là rừng quốc gia Bù Gia Mập, một địa điểm du lịch sinh thái kỳ bí, đầy sức hấp dẫn, cuốn hút du khách đến thưởng ngoạn, khám phá. Trong các điểm du lịch di tích tại Bình Phước, phải kể đến điểm du lịch nhiều người biết đến qua bài hát của cố nhạc sĩ Xuân Hồng với ca từ "Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ/Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây/Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay/Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày" - đó là địa điểm sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) nơi năm xưa đồng bào Xtiêng giã gạo nuôi bộ đội đánh Mỹ.
Kế đến, một địa danh mà du khách rất đặc biệt chú ý là thành phố Long Khánh (Đồng Nai) được mệnh danh là "Đà Lạt miền đông Nam Bộ", với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều vườn trái cây sum suê, ngon nức tiếng. Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, nơi có diện tích tự nhiên hơn 100 nghìn héc-ta, với hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền đông Nam Bộ. Cùng với đó là hồ Trị An, diện tích khoảng hơn 32 nghìn héc-ta xen lẫn 72 đảo lớn nhỏ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Tất cả những yếu tố trên, tạo ra lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử của Khu bảo tồn.
Tây Ninh thì nổi tiếng với đỉnh núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ, là điểm hành hương của hơn hai triệu du khách mỗi năm. Đây còn là nơi trú đóng của Trung ương Cục miền nam, cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam; căn cứ Bời Lời, địa đạo An Thới… là điều kiện tuyệt vời để du lịch về nguồn. Ngoài ra, quần thể kiến trúc Tòa thánh Cao Đài là một công trình nghệ thuật tổng hợp hoành tráng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc dân tộc, kiến trúc tôn giáo phương đông Trung Ấn với kiến trúc tôn giáo phương tây được xây dựng vào khoảng năm 1936. Hằng năm, kiến trúc tôn giáo này đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là đầu mối giao thông của cả nước gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đã trở thành điểm đến sôi động, thị trường gửi khách và nhận khách năng động bậc nhất cả nước. Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thành phố hiện sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn được nhiều du khách biết đến như, các di tích lịch sử - văn hóa: Địa đạo Củ Chi - đền Bến Dược, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện thành phố, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Điểm đến hài lòng du khách
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa vùng Đông Nam Bộ diễn ra khá nhanh, trong khi đó không gian xanh chưa bắt kịp quá trình này; xu hướng của khách du lịch nội địa là tìm về với thiên nhiên để được tận hưởng không gian sống trong lành. Nắm bắt xu hướng xanh, nhiều tỉnh, thành phố hiện đang tập trung phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan, trải nghiệm thực tế tại các vườn trái cây, thu hút du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Trên địa bàn thành phố Long Khánh (Đồng Nai) có khoảng 90 nhà vườn kinh doanh du lịch sinh thái, giúp nâng cao thu nhập và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đồng Nai cũng đang khai thác các thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng bằng việc tổ chức khai thác tour du lịch từ một đến hai ngày, gồm: về nguồn; giáo dục môi trường; khám phá thiên nhiên xanh; du lịch trên hồ Trị An; tour đạp xe, đi bộ xuyên rừng. Các tour này ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết: Nếu như trước đây du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thuần túy để tắm biển thì nay đã có thêm nhiều những sản phẩm, dịch vụ để du khách lựa chọn. Với hệ sinh thái biển đa dạng, nhiều du khách rất hào hứng với những sản phẩm du lịch biển đảo phong phú như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô, nghỉ dưỡng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, chỉ riêng Di tích và Danh thắng núi Bà Đen, hằng năm đã có rất nhiều lễ hội dân gian, như: Lễ hội xuân núi Bà, Lễ hội truyền thống động Kim Quang (tổ chức vào mồng 4 tháng Giêng), Lễ Vía Bà (tổ chức vào các ngày mồng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch). Mỗi lần diễn ra lễ hội, đã thu hút hàng chục vạn người đến cúng viếng. Ngoài ra, trong khu vực núi Bà Đen còn có rất nhiều hang động, suối, rừng thích hợp với du lịch khám phá, bảo tồn. Chị Huỳnh Thanh Nam, một công chức tại địa phương nói: "Tôi thường leo lên đỉnh núi mỗi tháng một lần, vừa rèn luyện thể thao, vừa lấy lại cảm giác thăng bằng sau những ngày làm việc, vừa tham gia thu dọn rác thải, bảo vệ môi trường".
Ngoài những sản phẩm du lịch đã có thương hiệu, Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố bắt tay triển khai chiến lược "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch" theo tiêu chí "quen mà lạ" nhằm tạo ra những sản phẩm, tour du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút du khách trong nước và cả khách quốc tế trong giai đoạn bình thường mới. Mới đây Thành phố Hồ Chí Minh cùng Đồng Nai liên kết phát triển du lịch bằng phương tiện tàu hỏa. Du khách tham quan tour sẽ được trải nghiệm văn hóa lịch sử hay đơn giản chỉ "check-in", uống cà-phê, thưởng thức ẩm thực địa phương, dạo quanh làng nghề trong ngày.
Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch của nhiều vùng, miền. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức; đồng thời, đề ra các mục tiêu và giải pháp. Trong đó có đặt ra nhiệm vụ vùng Đông Nam Bộ phải trở thành trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á; Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Nghị quyết đưa ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Đây là một trong những giải pháp để các tỉnh rút ngắn khoảng cách, tạo động lực để liên kết phát triển du lịch của vùng.
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh