Với 12% dân số là người dân tộc Thổ sinh sống, những năm qua, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ. Qua đó, góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống, động viên đồng bào tích cực thi đua lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của huyện.
Các thiếu nữ dân tộc Thổ tái hiện lễ Bốc Mó truyền thống. Ảnh: Thu Hương
Đặc sắc văn hóa dân tộc Thổ
Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có 3 dân tộc Thái, Thổ, Kinh cùng chung sống. Đồng bào Thổ định cư chủ yếu ở các xã: Hạ Sơn, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Văn Lợi, Tam Hợp… Trong những năm qua, đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống lâu đời, trong đó phải kể đến trang phục truyền thống.
Bà Trương Thị Kim Chi, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: “So với dân tộc Thổ ở các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ thì đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp có nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng và phát huy rất tốt. Trong những nét đặc trưng đó có trang phục truyền thống theo phong cách đơn giản, tinh tế với những nét nổi bật không pha lẫn các dân tộc khác”.
Vào các ngày lễ hay những sự kiện quan trọng của địa phương, bà con dân tộc Thổ mặc trang phục truyền thống. Áo của phụ nữ Thổ là chất vải thô, màu trắng, loại áo ngắn, ống tay dài, cổ tròn, khuy áo bấm. Khi mặc, áo thả lỏng ra bên ngoài. Còn chiếc váy sẽ giống như váy của người Thái, chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một du khách ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: “Tôi thường xuyên đến du lịch, trải nghiệm ở các bản, làng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và được hòa mình vào các hoạt động lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Điểm gây ấn tượng đối với tôi đó là trang phục của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp khỏe khoắn, mang dấu ấn, hơi thở và là linh hồn của đồng bào Thổ. Ngoài đặc sắc từ trang phục, đồng bào Thổ còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống mà ít đồng bào Thổ tại các huyện khác có được”.
Đến Quỳ Hợp, ngoài ấn tượng với trang phục truyền thống, du khách thập phương còn được khám phá nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thổ với những bài dân ca, dân vũ, lễ hội, phong tục, tập quán trong văn hóa cộng đồng và các ngành nghề truyền thống… Trong đời sống lao động sản xuất, người Thổ vẫn còn giữ gìn và phổ biến nhiều làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình như: Làn điệu dạ ơi; tang khang lẻ; khai khai rế; tập tính tập tang; hát giao duyên; hát đối đáp... Hay như, trong y học dân gian là những bài thuốc gia truyền, chữa bệnh cho người dân từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng...
Tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống
Hiện nay, do đặc điểm địa lý và dưới sự tác động giao thoa giữa đời sống hiện đại nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thổ gặp một số khó khăn. Lớp trẻ khi tiếp cận với các làn điệu dân ca của chính dân tộc mình thể hiện chưa đúng chất liệu. Còn với nghề bốc thuốc gia truyền và nghề đan võng gai lâu nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa của đồng bào Thổ, song hiện nay, nguyên liệu để sản xuất dần cạn kiệt, việc đi lấy thuốc từ cây cỏ, lá rừng cũng khó khăn hơn.
Trước thực trạng trên, huyện Quỳ Hợp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa dân tộc Thổ. Theo đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ để đồng bào hiểu và có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Cùng với đó, huyện đã tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa Thổ tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể; tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển tri thức dân gian của các dân tộc trên địa bàn nói chung và dân tộc Thổ nói riêng; nghiên cứu, rà soát lại số người nắm giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, y học dân gian, nghề đan võng gai để xây dựng kế hoạch gìn giữ, phát triển và tìm hướng tiêu thụ cho các sản phẩm nghề truyền thống của bà con dân tộc Thổ. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn và phát triển các tri thức dân gian, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ”.
Thu Hương