Ngày 25/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị ký kết và triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026. Dự hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp; ông Võ Tuấn Nhân,Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp.
Tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" năm 2015, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020 với 5 nội dung và 7 nhiệm vụ, giải pháp.
Quang cảnh hội nghị
Qua hơn 6 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản trong nhận thức và hành động trong công tác BVMT, phát triển bền vững. Ðến nay, cả nước đã có hàng ngàn mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: mô hình “Xử lý rác thải, trồng cây xanh, bình chữa cháy" ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tp Cần Thơ; mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường" tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu" của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.... Cùng với đó là nhiều mô hình, phong trào ở khắp cả nước, như: Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp; Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; Phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, cơ sở tôn giáo; Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hằng tuần; Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức… đã tạo sức lan toả rộng lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.
Tiếp theo đó, năm 2019, tại thành phố Huế, Hội nghị toàn quốc “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường trong những năm tới; phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Nhiều thông điệp của các tổ chức tôn giáo được đưa ra tại Hội nghị mang ý nghĩa sâu sắc. Phật giáo đưa ra thông điệp: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình…". Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất này trước khi quá muộn…". Phật giáo Hòa Hảo đưa ra thông điệp: “Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải bảo vệ môi trường tốt đẹp, an toàn và bền vững cho cuộc sống",...
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp cho biết: để thực hiện được các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải quyết thực tiễn trong nước, quốc tế đặt ra đối với vấn đề BVMT, ứng phó với BĐKH, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, trong đó không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 tiếp tục được ký kết và cùng nhau triển khai là hết sức quan trọng và cần thiết. Tôi trân trọng đề nghị các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo và chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy cùng nhau có những hành động thiết thực, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; Các tôn giáo cần lồng ghép xây dựng chương trình hành động để nâng cao nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Đồng thời, cần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 43 tổ chức tôn giáo ký Chương trình phối hợp
Cũng tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 43 tổ chức tôn giáo trong cả nước đã ký Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2022 -2026). Việc triển khai Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2022-2026 sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Đặc biệt là phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.