Những năm qua, huyện Bắc Yên đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển du lịch, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một góc khu du lịch tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện đã chỉ đạo và triển khai các chương trình, đề án phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và thu hút vốn đầu tư để xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; quy hoạch các khu, điểm du lịch, xây dựng các cơ sở lưu trú. Đồng thời, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Khuyến khích, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực địa phương, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp và chất lượng cao, du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, huyện đã chú trọng cân đối nguồn ngân sách và lồng ghép với các chương trình, dự án, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng công trình điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai hiệu quả, đã tạo cơ hội cho bà con nông dân vừa phát triển sản xuất, vừa mở hướng cho du lịch. Trong đó, nhiều nông sản, sản phẩm thủ công tại địa phương đã trở thành các sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách, như: Chè Tà Xùa, rượu Hang Chú, táo sơn tra, măng ớt Háng Đồng, dược liệu vùng cao... Những sản phẩm này không chỉ bán trực tiếp cho du khách, mà còn được quảng bá, giới thiệu rộng rãi thông qua khách du lịch và các trang mạng xã hội.
Tà Xùa là một trong những xã vùng cao của Bắc Yên có điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách tham quan. Những năm gần đây, xã đã tập trung xây dựng hệ thống đường liên xã, liên bản, đẩy mạnh thương mại, dịch vụ thu hút khách du lịch từ các nơi đến khám phá. Nhiều nhà nghỉ, các khu homestay do người dân bản địa đầu tư xây dựng; trang phục, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông và các sản phẩm nông sản của địa phương được bày bán thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm.
Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, xã đã vận động bà con nhân dân hiến đất, góp công lao động, tiền mặt trị giá gần 10 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường bê tông liên bản, nội bản; vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăm sóc gần 300 ha chè shan tuyết; khuyến khích người dân thành lập các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan; xây dựng chuỗi liên kết trồng chè, mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm. Tuyên truyền, vận động các nhà nghỉ, homestay quảng bá rộng rãi, giới thiệu sản phẩm OCOP chè Tà Xùa. Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh; bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Xã Hồng Ngài, có di tích hang A Phủ, địa danh gắn với tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, được nhiều người biết đến. Đây là hang đá tự nhiên, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, để đẩy mạnh phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo động lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn xã có 37 tuyến đường nội bản, liên bản dài hơn 27 km được bê tông hóa.
Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm chú trọng, 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia; 6/6 bản có nhà văn hóa; 98,5% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, trên 97% số hộ được xem truyền hình; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định,... Đến nay, Hồng Ngài đã đạt 13/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Bắc Yên, cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 78 cơ sở lưu trú, gồm các khách sạn, Bungalow và nhà nghỉ cộng đồng, với trên 1.000 chỗ nghỉ, đáp ứng cho du khách lưu trú. Từ đầu năm đến nay, huyện Bắc Yên đón hơn 140.000 lượt khách du lịch, trong đó gần 100 lượt khách quốc tế, doanh thu gần 90 tỷ đồng. Các cơ sở lưu trú du lịch đã tạo việc làm cho hơn 150 lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Vì vậy có thể thấy, phát triển du lịch là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.
Minh Tuấn