Với bờ biển dài 134 km, Bình Ðịnh sở hữu nguồn tài nguyên biển, đảo phong phú trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch. Trong những năm qua, Bình Ðịnh đã triển khai thực hiện những hành động thiết thực nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Để bảo vệ và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương có biển, tỉnh Bình Định định hướng phát triển du lịch biển, đảo gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Thời gian qua, UBND tỉnh giao Sở TNMT tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch về quản lý rác thải nhựa đại dương, bảo vệ biển và hải đảo mang lại hiệu quả cao.
Hệ sinh thái biển ở Bình Định được bảo vệ tốt, mang lại sinh kế cho ngư dân từ kinh doanh dịch vụ du lịch. Ảnh: Xuân Sáng
Theo ông Nguyễn Văn Nhung, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TNMT), ngành TNMT thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều chương trình truyền thông, như sân khấu hóa, tọa đàm, mít tinh, các cuộc thi ảnh… thu hút sự quan tâm tham gia hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, cộng đồng. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học biển và hải đảo bền vững, góp phần phát triển du lịch, ổn định sinh kế cho ngư dân ven biển.
Nhiều địa phương ven biển, như Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Cát Tiến (huyện Phù Cát)… được thiên nhiên ưu đãi có bãi biển, có nền văn hóa làng chài lâu đời được bảo tồn tốt, tạo nên sản phẩm du lịch thu hút du khách, tạo đà giúp kinh tế du lịch phát triển mạnh mẽ. Chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên biển và hải đảo để phát triển KT-XH, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Đảo, Giám đốc Công ty CP Khánh An Bình Định (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn), tâm tình: Cùng với việc kinh doanh dịch vụ du lịch, chúng tôi chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường. Trong tour du lịch do chúng tôi tổ chức có lồng ghép trải nghiệm đưa du khách đến tham quan các đảo, hang động ven biển ở Nhơn Lý kết hợp vận động du khách cùng thu gom rác, vỏ chai nhựa ở bãi biển đổi lấy những sản phẩm lưu niệm làm từ vỏ ốc, đá cảnh và hoạt động này được nhiều du khách thích thú, hưởng ứng, tham gia nhiệt tình.
Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, nhằm hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, ổn định sinh kế cho ngư dân. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục thủy sản (Sở NNPTNT), cho biết: Ngành thủy sản phối hợp các địa phương ven biển vào cuộc mạnh mẽ kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng các loại nghề cấm mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản; tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá giống tại đầm Trà Ổ, đầm Thị Nại để tái tạo môi trường sinh thái… nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TNMT), cho biết: Thời gian tới, Sở TNMT tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình truyền thông liên quan đến biển và đại dương để phối hợp với các địa phương thực hiện; xây dựng thêm nhiều pa nô, áp phích tuyên truyền bảo vệ biển và đại dương gắn với phát triển du lịch; đưa hoạt động tuyên truyền bảo vệ biển và đại dương vào trong các trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (ngày 1 - 8/6), Ngày Đại dương Thế giới (ngày 8/6) hằng năm…
Đoàn Ngọc Nhuận