Gia Lai: Tập trung nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 07/12/2022
Nhằm tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, giảm thiệt hại thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao nhận thức góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2050.

Theo đó, địa phương này nhấn mạnh đến quan điểm: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường cacbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Qua đó, hướng tới mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. 

Nâng cao tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nước sạch là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: H. Thương

Kế hoạch nhấn mạnh đến mục tiêu: Gia Lai phấn đấu đến năm 2023 nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2%; quản lý, bảo vệ nâng cao chất lượng rừng và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%; 65% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người; đảm bảo 100% dân cư đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu. Kiểm soát tình trạng suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng.

Đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn: Các trạm khí tượng thủy văn do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên quản lý được đầu tư, nâng cấp các thiết bị đo đạc, tự động hóa đạt 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; 100% công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật. 

Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn và phát triển. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, suối. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, suối; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai. 

Đến năm 2050, địa phương này hướng đến mục tiêu giữ vững độ che phủ rừng ổn định 49,2% và đảm bảo lâm phần rừng trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm trên địa bàn tỉnh được phục hồi, bảo tồn thực sự có hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh, an toàn bền vững; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phấn đấu hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, suối.

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2050 giữ vững độ che phủ rừng ổn định 49,2% và đảm bảo lâm phần rừng trên địa bàn tỉnh. 

Đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia (giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường). Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó chú trọng đến ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên. Đối với tài nguyên nước, xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên nước và các lưu vực sông, các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác nước dưới đất Từ nay đến năm 2030, tập trung kiểm soát tình trạng suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các ngành, cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động và phòng chống thiên tai do nước gây ra nhằm phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

Khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất trống, đồi núi trọc, đất ven sông, phát triển cây xanh ở đô thị và khu công nghiệp. Thúc đẩy phát triển đô thị, khu công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải rắn. Tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất. Tập trung bảo vệ và hạn chế tối đa chuyển đổi rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên), phục hồi và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng tỷ lệ cây xanh tại các đô thị. Thiết lập và mở rộng hoạt động của các khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên; thực hiện kiểm kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.

Đồng thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu thông qua: Tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai nhất là đối với mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối. Thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng do thiên tai và khí hậu cực đoan gây ra. Xây dựng và nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai tại những vùng thường xuyên xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất....

UBND tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. 

Đặc biệt, UBND tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực: Lĩnh vực năng lượng: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện sinh khối,... hiện có trên địa bàn tỉnh; Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng phát thải thấp; tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, tạo khí sinh học; áp dụng biện pháp bón phân compost và giảm phân hóa học; thay thế phân urê bằng các loại phân bón phát thải thấp.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất: Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có nhằm kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng cường hấp thụ các-bon. Nâng cao chất lượng, trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo thông qua trồng bổ sung, làm giàu rừng nhằm tăng hấp thụ carbon. Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, cháy rừng, phòng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật; nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng để tăng hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực xử lý chất thải: Triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, giảm thiểu phát sinh chất thải từ sản xuất đến tiêu dùng, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Hà Phương

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 06/12/2022