Quảng Ninh: Đến Bản Sen thưởng thức trà Vân

Cập nhật: 08/12/2022
Xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) nằm cách xa đất liền khoảng 20km tính theo đường biển. Bản Sen chưa phải là điểm du lịch, nhưng từ lâu đã nổi tiếng với hai đặc sản cam Sen và trà Vân.

Từ xa xưa, cây chè Vân đã nổi tiếng ở huyện Vân Đồn, tập trung chủ yếu ở xã Bản Sen. Tuy xã Bản Sen không có thôn nào gọi là thôn Vân, nên có lẽ chữ Vân là chữ đầu của tên huyện Vân Đồn. Vậy là sản phẩm của xã đảo nhưng lại mang tên huyện thì đó cũng là một điều rất đáng tự hào.

Sản phẩm Trà Vân Bản Sen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh.

Tiếp chúng tôi tại xã Bản Sen là ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã. Mời tôi chén nước trà Vân, ông Đạt bảo: “Trà này uống sẽ thấy khỏe người”. Tôi nhấp thử ngụm trà, thấy đậm đà vị đắng chỉ thanh thanh nhưng lại thấy vị hơi ngọt bùi của trà.

Theo ông Đạt, xưa cây chè Vân mọc hoang trên khắp các đảo của huyện Vân Đồn. Chè Vân có từ hàng trăm năm nay, được các bậc quan lại, quý tộc, những người nho nhã rất ưa chuộng. Sản phẩm trà Vân đã đến nhiều nơi trong nước. Trà Vân sau khi được chế biến từ búp chè là thức uống bổ mát lành và là thuốc quý của người dân Bản Sen từ bao đời nay. Theo các nhà khoa học, trà Vân có chứa nhiều nhóm chất theaflavin và thearubigin có khả năng chống ô xy hóa rất tốt, đặc biệt giúp ngủ ngon, tốt cho tim mạch, ổn định huyết áp, chống béo phì, giảm nồng độ đường trong máu và giúp cơ thể chuyển hóa đường nhanh hơn.

Việc chế biến chè Vân thành sản phẩm trà theo phương pháp truyền thống qua nhiều công đoạn, chè được phơi héo sau đó được ủ bằng phương pháp truyền thống, đến khi lá chè chuyển từ màu xanh sang màu đỏ thì bỏ ra sao trên bếp lửa, cuối cùng phải phơi hoặc sấy một lần nữa thì mới được.

Theo những người cao tuổi ở xã đảo kể lại, từ những năm 40 - 50 của thế kỷ trước, chè Vân đã được bà con ở xã thu gom từ trên rừng rồi trồng trên diện tích khoảng 10ha ở thôn Bản Sen. Trên diện tích này còn có nhiều gốc chè Vân bản địa, có niên đại hàng trăm năm (ngày nay vẫn còn), nhiều cây cao gần chục mét, đường kính gốc khoảng 20cm. Thời bao cấp, ở xã Bản Sen có Hợp tác xã Cam - Chè trồng chè lên đến gần 100ha. Trà Vân được tiêu thụ rất mạnh cho các thị trường trong và ngoài tỉnh mà tạo nên thương hiệu trà Vân từ thời kỳ đó. Đến khi nhà nước chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường, thì Hợp tác xã Cam - Chè được tách ra cho các hộ sản xuất. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, do nghề nuôi trồng thủy sản ở Bản Sen chiếm ưu thế, các hộ đều lao vào nuôi trồng thủy sản vì nó cho thu nhập cao hơn nhiều. Cây chè Vân bị lãng quên không được chăm sóc và trở thành giống như cây hoang trong rừng.

Một cây chè Vân rất cao, còn sót lại trong rừng tự nhiên ở xã Bản Sen.

Đôi khi vì miếng cơm manh áo, người ta bỏ cây chè Vân để tìm hướng làm ăn khác kiếm được nhiều tiền hơn. Ấy nhưng vị chè Vân xem ra không khó quên. Vậy là những năm gần đây, cây chè Vân đang dần được phục hồi. Có người bảo, chè Vân ở Bản Sen có nhiều đặc tính gần giống với chè San Tuyết ở Hà Giang, là loài cây có thân khổng lồ và tồn tại ở những vùng sương gió, khí hậu khắc nghiệt. Phải chăng, vì dãi dầu sương gió hút lộc khí trời mà để tạo ra cây chè Vân có hương vị đặc biệt? Nhiều người sống ở xa Bản Sen, có cả người đã ra nước ngoài vẫn không quên vị chè Vân, mỗi dịp về nước là mua hàng chục cân mang ra nước ngoài để uống.

Trong mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc cùng với xã Bản Sen nhằm phát triển cây chè Vân trở thành đặc sản của xã, dự kiến sẽ nhân diện tích chè ở xã từ 2ha trước đó lên 30ha. Người trồng chè sẽ được hỗ trợ giống, phân bón và sẽ được thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Từ đó sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, người dân sẽ lại mặn mà với cây chè, giữ lại nguồn chè quý cho đất Bản Sen.

Công Thành

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 07/12/2022