Theo thống kê, năm 2022, 5 tỉnh Tây Nguyên đã đón gần 8 triệu lượt khách, trong đó có trên 160 ngàn lượt khách quốc tế. Các tỉnh đã có các chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch để nhanh chóng phục hồi ngành du lịch.
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.
Theo giới chuyên gia, vùng Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng chưa được "đánh thức". Tây Nguyên là địa bàn giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người… Tuy nhiên, các loại hình du lịch này hiện chưa phát triển tương xứng. Các chuyên gia cho rằng, với nền địa hình khá đa dạng, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh và nổi tiếng, cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc, là tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái-văn hóa, nghỉ dưỡng...
Xây dựng các loại hình sản phẩm gắn với văn hoá, cảnh quan đặc thù vùng giúp thu hút khách du lịch - Ảnh: Võ Đình Khoa
Do đó, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết luôn được Chính phủ, các cấp chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giúp cho Tây Nguyên có thêm nhiều cơ hội để phát huy những tiềm năng vốn có, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch vùng Tây Nguyên chưa thực sự phát triển tương xứng với giá trị của vùng đất này. Một trong những yếu tố dẫn đến điều này là chưa có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, các sản phẩm du lịch đặc sắc chưa được xây dựng bài bản.
Điều cần thiết là làm sao có thể giữ vững được bản sắc của mỗi tỉnh trong vùng, nhưng vẫn tạo ra được những tour tuyến gắn kết các thế mạnh hay độc đáo hấp dẫn riêng của các địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, độc đáo của Tây Nguyên như du lịch cộng đồng và sinh thái, phát huy được thế mạnh của các địa phương vùng Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần xác định việc hợp tác, liên kết nội vùng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của toàn vùng. Chính quyền các tỉnh cần có những chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, xây dựng chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, có tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng. Phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tăng tính trải nghiệm thú vị hơn cho du khách. Hình thành những giá trị phát triển du lịch của từng tỉnh trong vùng, tạo nên những nét đặc thù riêng có. Đồng thời, sẽ tổ chức những chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tầm khu vực.
Lý Lan