Khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước

Cập nhật: 09/12/2022
Bình Phước thuộc khu vực Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm, năng động và phát triển phía Nam, có vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng; là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan. Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú cho tỉnh.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, ngày 25-11-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có

Bình Phước là nơi kết nối giữa Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, có tuyến biên giới giáp Campuchia dài 258,939km, có 1 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư), 2 cửa khẩu quốc gia (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh). Tỉnh đã có những điều kiện và cơ hội phát triển rõ ràng hơn, từ địa phương chỉ ở vị trí dự trữ phát triển, Bình Phước đã trở thành động lực phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ trong những năm tới. 

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Phước chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm với đàn đá tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

So với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ thì du lịch Bình Phước đang sở hữu những lợi thế về tài nguyên du lịch: có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ rất thích hợp cho các loại cây ăn trái (có dư địa cho việc kêu gọi những dự án quy mô lớn), có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh tương đối dồi dào (có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, mang những nét đặc thù riêng thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên). Bình Phước là thủ phủ cây điều và cao su của cả nước (phù hợp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất và chăm sóc 2 loại cây này). 

Bên cạnh đó, Bình Phước có hệ thống di tích lịch sử cách mạng, trong đó một số đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, có hệ thống di chỉ khảo cổ thành đất hình tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ. Tỉnh là nơi hội tụ sinh sống của 41 dân tộc, có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.

Du lịch phát triển chưa tương xứng

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch chưa được nhận diện một cách đầy đủ, do đó chưa được quan tâm quy hoạch, đầu tư xứng tầm để khai thác, phát huy. Sự đầu tư trong thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa mà thiếu đầu tư hệ thống dịch vụ phụ trợ để hình thành sản phẩm du lịch và nhất là chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt. Đặc biệt, chưa có những chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch chưa hoàn chỉnh, các khu, điểm du lịch đang trong quá trình xây dựng. Hoạt động kinh doanh du lịch chưa hiệu quả, cơ sở kinh doanh lữ hành còn nhỏ và yếu, cơ sở lưu trú còn thiếu, quy mô nhỏ, dịch vụ bổ trợ khác chưa hoàn thiện. 

Trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển 7 dự án du lịch trọng điểm. Cụ thể, dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác là Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (hiện nay UBND huyện Lộc Ninh trực tiếp quản lý, khai thác); Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (hiện nay UBND huyện Bù Đăng trực tiếp quản lý, khai thác). Tuy nhiên, hạn chế của 2 dự án này là mới chỉ đầu tư xây dựng di tích mà chưa có hệ thống dịch vụ phụ trợ nên chưa có sức hút du khách...

Dự án đang được đầu tư là khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá (do Tập đoàn An Viên làm chủ đầu tư, đã tạm ngưng đầu tư); khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch (do Công ty cổ phần sản xuất - xây dựng - thương mại và nông nghiệp Hải Vương làm chủ đầu tư); khu du lịch hồ Suối Cam và hợp phần dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án Bình Phước (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư); khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập (đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đang triển khai thực hiện).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều nguồn tài nguyên chưa được đầu tư xây dựng và khai thác phục vụ phát triển du lịch, như hệ thống di tích lịch sử cách mạng, gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước ta. Có hệ thống di tích thành đất hình tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước. Có hệ thống sông suối và rất nhiều hồ nước lớn cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm như khu hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú), hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long)... Có rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích 26.000 ha, với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng (có thể đề nghị công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới).

Bình Phước có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ rất có tiềm năng cho phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Tỉnh còn có tuyến đường kết nối thuận lợi phát triển các tuyến du lịch…

Để du lịch “cất cánh”

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch tỉnh, Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành rất kịp thời. 

Theo đó, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến quốc lộ 14, ĐT741, quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước. Có 1-2 khách sạn 4-5 sao trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Có 1-2 sân golf hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt động Hiệp hội Du lịch tỉnh. Công nhận 2 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch.

Phấn đấu năm 2025 đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,21-4% tổng lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động…

Đến năm 2030, xây dựng, phát triển thành phố Đồng Xoài trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với hệ thống dịch vụ tiện ích, có trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp. Có các trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm và hệ thống cửa hàng tiện ích. Nâng cấp và công nhận 1 khu du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp quốc gia và 1 điểm du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp tỉnh; công nhận mới 1 khu du lịch cấp quốc gia, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 3 điểm du lịch.

Đề án cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như, công tác quy hoạch về du lịch phải có chiến lược, tầm nhìn dài hạn, ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư vào các dự án lớn; xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch. Xây dựng môi trường du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…

Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát, hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước. Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, từ đó xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và tuyến du lịch quốc tế. Xây dựng các khu, điểm du lịch xanh với các dịch vụ tiện ích có sức thu hút cao đối với du khách...

 

Thanh Trà

Nguồn: Báo Bình Phước - baobinhphuoc.com.vn - Đăng ngày 30/11/2022