Thành phố Hải Phòng có tài nguyên du lịch phong phú được xác định là trung tâm du lịch quan trọng trong tam giác du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành Uỷ Hải Phòng (số 09/NQ-TU ngày 22/11/2006) đã khẳng định: "Phát triển du lịch là một hướng chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Hướng chiến lược phát triển du lịch thành phố là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vùng biển, kết hợp với du lịch văn hoá tham quan di tích lịch sử, công trình văn hoá, lễ hội và nghiên cứu khoa học”.
Hải phòng có nhiều cảnh quan thiên nhiên, có biển, có đảo, có vườn quốc gia… đã tạo cho thành phố Hoa phượng đỏ tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Cát Bà là một khu du lịch nổi tiếng của Hải Phòng – một hòn đảo lớn nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, cách trung tâm thành phố khoảng 60km. Thiên nhiên đã ưu đãi cho quần đảo này nhiều cảnh quan đẹp, tài nguyên rừng và biển phong phú, một quần thể đảo và hang động làm mê hồn du khách. Vườn quốc gia Cát Bà hiện còn giữ diện tích lớn rừng nguyên sinh nhiệt đới với hệ thực động vật phong phú gồm 745 loài thực vật, hơn 32 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư… Nhiều loài động vật quý hiếm như sóc bụng đỏ, rùa da…và đặc biệt là loài voọc đầu trắng được ghi vào danh mục được bảo vệ nghiêm ngặt đã trở thành biểu tượng của Vườn Quốc gia Cát Bà. Cát Bà có hệ thống hang động, vụng, vịnh như các động Trung Trang, Thiên Long, Hùng Sơn... có tới 139 bãi biển các loại nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp với cấu trúc địa hình Kast ngập nước. Ngoài ra hệ sinh thái san hô ở Cát Bà là tài nguyên đặc hữu trong quần thể Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cát Bà hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, môi trường sinh thái biển trong lành và tài nguyên du lịch đa dạng. Năm 2004, Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, được quảng bá rộng rãi ở trong nước và trên thế giới, có sức hút lớn cho đầu tư, các tổ chức quốc tế tài trợ trong phạm vi của chương trình UNESCO về con người và sinh quyển. Đồ Sơn có đảo Hòn Dấu đẹp và thơ mộng; quận Kiến An có đồi Thiên Văn, huyện Thủy Nguyên có thắng cảnh Tràng Kênh, huyện An Lão có núi Voi, huyện Tiên Lãng có rừng ngập mặn. Các điểm du lịch đó tạo thành một hệ thống các điểm du lịch hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái.
Nhưng trong những năm gần đây sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của các địa phương đã có nhiều tác động không có lợi cho việc bảo vệ môi trường. Tại Cát Bà diện tích vườn quốc gia đang bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ bị biến mất, loài voọc quý đã được bảo vệ nhưng số lượng phát triển chậm. Việc xây dựng và phát triển nghề nuôi cá lồng bè đã gây ra sự biến đối của hệ sinh thái, nguy cơ ô nhiễm ở khu vực này ngày càng cao. Hoạt động du lịch vẫn chỉ tập trung ở các khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn. Tiềm năng du lịch của các huyện ngoại thành vẫn chưa được tập trung đầu tư, khai thác...
Bảo vệ môi trường thiên nhiên quyết định sự phát triển của du lịch sinh thái, và đó là yếu tố quyết định đối với tương lai của du lịch Hải Phòng. Thông điệp của tổ chức du lịch thế giới đã nêu rõ:.... "Trong thế giới phát triển, du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái hoàn toàn có tiềm năng góp phần xoá đói giảm nghèo tại những vùng xa xôi hẻo lánh của các nước phát triển. Trong thế giới phát triển, du lịch sinh thái được coi là công cụ tốt để giáo dục về môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ hệ sinh thái bị tổn thương…”. Chính vì vậy thành phố cần nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để có thể giữ gìn, phát huy những ưu thế mà thiên nhiên ưu đãi, hạn chế tới mức thấp nhất sự quá tải, gây ô nhiễm môi trường của các khu du lịch. Trước hết thành phố cần có cơ chế khuyến khích việc khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay dành cho doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nhất là khai thác du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường, tăng cường phối hợp giữa địa phương với các cơ quan ban ngành quản lý nhà nước. Để gìn giữ cảnh quan tránh những tác động xấu của hoạt động kinh tế xã hội tới môi trường, thành phố cần tập trung xúc tiến quy hoạch chi tiết phát triển du lịch của hai khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, các cơ sở lưu trú du lịch, các khu nghỉ dưỡng khác để bảo đảm sự phát triển kinh tế xã hội địa phương luôn gắn với quy hoạch phát triển du lịch. Cần thu hút nhiều dự án đầu tư hơn để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên cơ sở không phá vỡ cảnh quan du lịch. Các dự án đầu tư khu vui chơi giải trí, xây dựng hệ thống cáp treo… cần được quan tâm phát triển.
Một trong những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái chính là việc tăng cường nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương về môi trường sống, về ý nghĩa của phát triển du lịch sinh thái đối với phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý tuyến, điểm du lịch, gắn kết các hoạt động bảo tồn phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho du lịch cũng vô cùng cần thiết. Để có một đội ngũ lao động du lịch có trình độ và kinh nghiệm, cần có các chương trình đào tạo, tham quan và học hỏi các mô hình phát triển du lịch sinh thái ở các vùng, miền trong nước và các quốc gia trên thế giới. Các doanh nghiệp du lịch cần phải hiểu rõ tầm quan trọng khi đầu tư và khai thác loại hình du lịch sinh thái. Với tiềm năng du lịch to lớn đã được thiên nhiên ban tặng, định hướng phát triển và khai thác du lịch sinh thái chính là chiến lược phát triển bền vững của du lịch Hải Phòng.