Tận dụng rừng dừa nước rộng gần 15ha, người dân khu dân cư (KDC) Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước (Bình Sơn) đã chung sức, chung lòng, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, rừng dừa nước đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Tuổi 50, 60 hăng hái làm du lịch
Những ngày cuối tuần, nhìn du khách trong và ngoài tỉnh nườm nượp tìm về rừng dừa nước Cà Ninh để du ngoạn, ông Nguyễn Thái Nguyên (60 tuổi), ở KDC Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước cho biết, lúc mới bắt đầu tham gia phát triển du lịch cộng đồng, tôi chưa mường tượng được, rừng dừa nước ở quê hương mình lại thu hút du khách nhanh chóng đến vậy. Chính quyền địa phương vừa họp dân và định hướng về việc phát triển du lịch cộng đồng vào ngày 2/4/2022, thì đến ngày 30/4/2022, chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ để đón và chở du khách đi thưởng ngoạn phong cảnh rừng dừa.
Rừng dừa nước Cà Ninh, ở xã Bình Phước (Bình Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Trung
Kỳ vọng vào mô hình du lịch cộng đồng, nên khi địa phương vừa phát động, người dân Cà Ninh đã lập tức chung tay. Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, Đội chèo thuyền Cà Ninh đã được người dân thành lập, gồm 14 thành viên và sở hữu 10 chiếc ghe, 2 chiếc thúng, với tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng.
"Thành viên của đội chèo thuyền phần lớn là những người ở độ tuổi U50, 60. Quanh năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông, có người còn chưa được đi du lịch bao giờ, nhưng khi nghe về phát triển du lịch tại rừng dừa nước Cà Ninh, mọi người đều hăng hái tham gia với mong muốn, sẽ tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sông nước của mình để phục vụ du khách. Trước khi đi vào hoạt động, thành viên đội chèo thuyền tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi di chuyển trên sông nước", ông Nguyễn Thái Nguyên, Đội trưởng Đội chèo thuyền Cà Ninh, chia sẻ.
Tham gia cùng địa phương trong phát triển du lịch tại rừng dừa nước Cà Ninh, từ cuối tháng 4/2022 đến nay, vào dịp cuối tuần, Đội chèo thuyền Cà Ninh đã tiếp đón, chở từ 80 - 100 lượt du khách đến thăm. Riêng các dịp nghỉ lễ, Đội chèo thuyền Cà Ninh đón tiếp, chở cả nghìn du khách tham quan rừng dừa nước. "Vừa chèo thuyền, chúng tôi vừa làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho du khách nghe về lịch sử hình thành rừng dừa nước, về những loại cá, tôm sống ở vùng sông nước Cà Ninh...", bà Nguyễn Thị Bích Lan, thành viên Đội chèo thuyền Cà Ninh, chia sẻ.
Đồng lòng phát triển du lịch xanh
Với mong muốn phát triển sinh kế dựa vào mô hình du lịch cộng đồng gắn với rừng dừa nước Cà Ninh, ngày càng có nhiều hộ dân sinh sống tại Cà Ninh chuyển hướng làm du lịch.
Người dân Khu dân cư Cà Ninh, xã Bình Phước (Bình Sơn) chèo thuyền đưa đón du khách tham quan rừng dừa nước. Ảnh: Đông Yên
Vừa đầu tư hơn 100 triệu đồng để mở dịch vụ ẩm thực và thuyền vịt phục vụ du khách, anh Phạm Tuân (33 tuổi), ở KDC Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước hào hứng bày tỏ, tôi nhận thấy khách du lịch bây giờ thường chuộng những nơi dân dã, gần gũi với thiên nhiên và có môi trường trong lành. Làm nghề chạy xe dịch vụ, được đi nhiều nơi, nên tôi nhận thấy cảnh sắc quê hương mình khá đẹp, thậm chí hơn hẳn một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, nhưng lại chưa được khai thác, quảng bá. Vì vậy, khi địa phương có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Ninh, tôi hưởng ứng ngay.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Lê Hồng Phong, để phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Ninh theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, địa phương đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng nhau bảo vệ, gìn giữ rừng dừa nước cùng nguồn lợi thủy sản tại đây. Trong thời gian đến, địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng và đưa người dân đi học hỏi kinh nghiệm tại các điểm du lịch gắn với rừng dừa nước của các tỉnh.
Chung sức, chung lòng phát triển du lịch cộng đồng từ sự định hướng của chính quyền địa phương, chỉ sau nửa năm, cộng đồng dân cư ở Cà Ninh đã giúp quê hương mình tạo được điểm nhấn trong lòng du khách. Toàn KDC Cà Ninh có 131 hộ dân, thì đã có khoảng 15% số hộ chuyển hướng làm du lịch cộng đồng. Những nông dân "chân đất" mạnh dạn chuyển sang làm du lịch với khát khao, rừng dừa nước Cà Ninh vừa là "lá phổi xanh", vừa là sinh kế mới, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân nơi đây.
Đông Yên