Di sản văn hóa (DSVH) là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để di sản được trường tồn với thời gian thì vai trò của cộng đồng nắm giữ rất lớn. Chính vì vậy, những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp khơi dậy tình yêu, trách nhiệm bảo vệ di sản từ chính cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê được phê duyệt, trong đó, có 133 di tích xếp hạng các cấp; có 8 DSVH phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 1 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng). Những DSVH này không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Xứ Lạng.
Thành viên Ban Quản lý di tích đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc dọn dẹp ban thờ
Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ vốn DSVH. Trong đó, biện pháp chủ yếu là giáo dục, tuyên truyền khơi dậy tình yêu, trách nhiệm bảo vệ di sản từ chính cộng đồng, bằng các hình thức đa dạng như: tại các cuộc họp, giao ban cơ quan; họp thôn, khối tại khu dân cư; qua hệ thống loa truyền thanh… Trong đó, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009; nghị quyết về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh cùng nhiều văn bản liên quan khác. Bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác tuyên truyền đã khơi lên niềm tự hào, nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di sản của mỗi người dân.
Nhờ đó, các di tích đã được tu bổ, phục hồi từ nguồn kinh phí xã hội hóa do người dân đóng góp với tổng kinh phí đầu tư từ năm 2016 đến nay đạt trên 261 tỷ đồng, toàn tỉnh có 79 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi. Đình Vằng Khắc (ở huyện Lộc Bình, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UBND ngày 2/10/ 2002) là một trong những DSVH vật thể tiêu biểu của Lạng Sơn đã được tu sửa nhờ nguồn xã hội hóa. Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc cho biết: Chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương vận động xã hội hóa xây mới phần hậu cung của đình với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng, từ năm 2019 đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hằng ngày, chúng tôi vẫn thường xuyên quét dọn, vệ sinh, đảm bảo cho di tích được trang nghiêm, sạch sẽ.
Cùng với loại hình di sản văn hóa vật thể, thời gian qua, các DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả từ chính cộng đồng – những chủ thể văn hóa đang trực tiếp sở hữu di sản. Đơn cử như trường hợp loại hình hát Sli của đồng bào Nùng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Theo thống kê của Sở VHTTDL, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 câu lạc bộ (CLB), tổ, đội hát Sli với gần 1.000 hội viên phân bố ở 11 huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân ở huyện Cao Lộc. Ngoài ra, toàn tỉnh đã phát triển được trên 50 CLB hát dân ca, trong đó, 90% CLB bảo tồn và phát huy các làn điệu hát then, đàn tính, thu hút gần 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Qua đó, các CLB, cơ sở mở được trên 100 lớp truyền dạy hát then, đàn tính, thu hút hàng nghìn học viên.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Có thể khẳng định, việc bảo tồn, gìn giữ DSVH Lạng Sơn có sự chung tay, đóng góp rất lớn của cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đối với cộng đồng nắm giữ di sản. Cùng với đó, lựa chọn, đề nghị khen thưởng những cá nhân có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy DSVH trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng tiếp tục phát huy tình yêu trách nhiệm chung tay cùng cơ quan Nhà nước bảo vệ, phát huy DSVH, để những giá trị truyền thống được lưu truyền mãi.
Hoàng Hiếu - Tuyết Mai