Chùa là nơi người dân thường xuyên đến chiêm bái, lễ phật, thể hiện tín ngưỡng và tu tập. Và từ lâu không gian ở chùa là nơi trang nghiêm với kiến trúc tôn giáo đặc trưng tách biệt với không gian sống thường nhật của người dân.
Ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú có một ngôi chùa lấy không gian xanh làm chủ đạo trong kiến trúc xây dựng và thiết kế cảnh quan, đã tạo ra một môi trường sống thân thiện, gần gũi với cả phật tử lẫn khách thập phương gần xa khi đến vãng cảnh chùa. Đó là chùa Vạn Quang tọa lạc ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến.
Những mảng xanh trước chánh điện của chùa Vạn Quang - Ảnh: Đặng Hùng
Xuất phát từ một ngôi đình tứ phủ nhỏ bé, nằm chênh vênh trên sườn của một quả đồi nhỏ, xung quanh chủ yếu là những vườn cao su của người dân trong vùng, chùa Vạn Quang là nơi bà con phật tử thường xuyên đến dâng hương, lễ phật cầu an. Khi đến đây, ngoài thắp hương lên bàn thờ phật, bà con phật tử còn vãng cảnh, thả lòng nhẹ nhàng, thư thái với những mảng xanh được bài trí, sắp đặt tự nhiên; là nơi để mọi người có thể check-in, lưu lại những tấm ảnh làm kỷ niệm với không gian yên tĩnh và thanh bình.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài là hướng dẫn viên yoga, thường đến chùa để tìm không gian thư thái, tiếp thêm năng lượng cho bản thân. Chị Hằng chia sẻ: Gia đình tôi ở ngoài phố, thường chịu nhiều tiếng ồn. Công việc cần sự tịnh tâm nên tôi thường đến nơi yên tĩnh như chùa Vạn Quang. Ở đây có không gian xanh mát làm cho bản thân được thư giãn, nhẹ nhàng hơn.
Còn chị Phạm Thị Thanh Hiền ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết: Cảnh ở chùa Vạn Quang yên tĩnh, xanh mát. Đến đây, tôi cảm thấy rất thư thái.
Cây xanh được bài trí khắp khuôn viên chùa Vạn Quang - Ảnh: Đặng Hùng
Khi tiếp nhận mảnh đất gần 3.000m2 vào năm 2015, Đại đức Thích Tâm Đăng, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Đồng Phú, trụ trì chùa Vạn Quang đã có ý tưởng xây dựng nơi đây có môi trường sống và tu tập hòa hợp với thiên nhiên. Điều này được áp dụng vào những tiểu cảnh trong khuôn viên chùa, để tạo ra một không gian an tĩnh, thanh tịnh có thể vừa làm việc vừa tu tập.
“Tất cả cây xanh trong khuôn viên chùa hiện nay, một số cây lớn đã có từ lâu trước khi hình thành ngôi chùa, một số cây mới được kiến tạo sau này. Các thầy, phật tử cũng luôn tìm tòi, học hỏi để chăm sóc hệ thống cây trồng ở đây phát triển xanh tốt, lấy đó làm niềm vui trong việc tu học nơi chốn thiền môn cũng như tạo cảnh đẹp thanh bình khi phật tử đến viếng chùa”.
Đại đức Thích Tâm Đăng
Ngoài chăm sóc cây xanh, để không gian chùa luôn sạch sẽ, gọn gàng, phải kể đến việc quét dọn thường xuyên của bà Lê Thị Miến sinh sống gần ngôi chùa. Chính không gian yên tĩnh của chùa đã khiến bà phát tâm muốn làm công quả ở đây. Ở tuổi 73, hằng ngày bà Miến thường xuyên đến chùa quét dọn, công việc này được bà duy trì gần 4 năm qua. Bà Miến chia sẻ, nhà ở gần chùa, năm 2019, bà xin phép trụ trì cho bà đến quét dọn chùa; con cái bà cũng đồng ý vì họ nhận thấy khi bà đến đây tinh thần vui vẻ, thoải mái, sức khỏe cải thiện hơn.
Điều thu hút phật tử và khách thập phương đến chùa Vạn Quang còn là những bữa cơm chay, món chay được bà Đặng Thị An và một số phật tử khác tùy tâm chế biến từ rau, củ, quả tươi. Những món ăn ở đây luôn giữ được hương vị thuần khiết của thực phẩm như chính nụ cười hoan hỷ của người làm ra những món ăn này.
Những mảng xanh tôn tạo chốn thiền môn - Ảnh: Đặng Hùng
Chùa là chốn tâm linh chung cho tất cả mọi người, ai có tâm thì cửa chùa sẽ luôn rộng mở để chào đón. Và khi đến với không gian xanh mát ở Vạn Quang tự, chúng ta có thể dễ dàng buông bỏ những ồn ào của cuộc sống mưu sinh để tìm sự bình yên cho tâm hồn. Để rồi khi quay trở lại với cuộc sống thường nhật, những nguồn năng lượng tích cực từ không gian sống này sẽ bồi đắp, tiếp thêm cảm hứng để hoàn thành tốt hơn công việc của mỗi người.
Ly Na