Chính quyền các cấp, từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến huyện Phú Lộc đều chưa có phương án hữu hiệu để chấm dứt việc khai thác vôi hàu đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến vịnh Lăng Cô – một trong 30 vịnh đẹp thế giới vừa được Câu lạc bộ các Vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) trao tặng.
Môi trường bị ô nhiễm do khai thác hàu và sản xuất vôi ở đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, đang mang lại nguồn sống chủ yếu cho gần 100 hộ dân địa phương ở đây. Ở khu vực này có tất cả 16 lò vôi và cứ dịp vào vụ (từ tháng 4 đến tháng 8) ngày cũng như đêm, đầm Lập An tấp nập như một công xưởng với người đội hàu dưới đầm lên đổ vào lò, kẻ bốc vôi thành phẩm chở ra Huế hoặc vào Đà Nẵng để tiêu thụ. Trung bình, mỗi ngày lao động chính ở đây có thu nhập từ 80.000 - 100.000 đồng - một nguồn thu tương đối lớn đối với người dân.
Nếu như trước đây, người dân chủ yếu khai thác vôi hàu bằng thủ công thì 5 năm trở lại đây, việc khai thác vôi hàu được "hiện đại hoá" bằng máy hút (tương tự như máy hút cát). Và đây chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái trên diện rộng, không chỉ với gần 1.000 hộ dân sống quanh đầm Lập An, mà còn ảnh hưởng đến cả vịnh Lăng Cô.
Ông Cái Vĩnh Tuấn, Chủ tịch huyện Phú Lộc. cho biết: Vấn đề mà Câu lạc bộ các Vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) quan tâm nhất đối với Lăng Cô là môi trường và khai thác vôi hàu là một trong những vấn đề đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường vịnh Lăng Cô.
Không chỉ môi trường sống, mà môi trường sinh thái của đầm Lập An hiện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khai thác và sản xuất vôi hàu.