Thời gian qua, du lịch Quảng Ninh có những bước phát triển vượt bậc, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với sự phát triển du lịch như hiện nay cũng đã tạo sức ép rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thực tế này đặt ra cho Quảng Ninh cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, chai nhựa đựng nước dùng một lần được thay thế bằng chai thủy tinh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, trong quá trình phát triển du lịch, Quảng Ninh luôn xác định phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Do đó, bên cạnh việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đề cao việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, ban quản lý các di tích, các doanh nghiệp du lịch và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường cũng được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Ngành du lịch cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Các địa phương, ban quản lý các di tích, khu du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh và triển khai các phương án để bảo vệ môi trường, mang lại vẻ đẹp cảnh quan, tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tham quan. Như Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tốt cảnh quan môi trường tại các điểm tham quan, lưu trú trên vịnh; quan trắc hiện trạng môi trường nước vịnh Hạ Long định kỳ để kiểm soát chất lượng nước; sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị triển khai ứng phó khi có sự cố tràn dầu trên vịnh xảy ra.
Đặc biệt, để bảo vệ môi trường (BVMT) vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Cánh buồm xanh gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh. Nhãn hiệu Cánh buồm xanh là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường BVMT trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước quan tâm đến BVMT. Tỉnh cũng đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan...
Quảng Ninh cũng đã nhận được sự hỗ trợ của JICA trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định như: xây dựng hai hành trình khám phá trên đảo Quan Lạn (hành trình khám phá văn hóa - lịch sử hào hùng đảo Quan Lạn; hành trình một ngày làm nông dân - ngư dân tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn); lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long...
Bên cạnh đó, các tàu tham quan hoạt động trên vịnh Hạ Long cũng phải đáp ứng các tiêu chí đặc biệt để bảo vệ môi trường. Anh Đặng Đình Biển, Quản lý tàu nghỉ đêm Dragon Legend (Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương), cho biết: Các tàu tham quan phải lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước trong buồng máy có công suất phù hợp và bảo đảm chất lượng nước la canh sau xử lý đạt hàm lượng dầu không quá 15mg/lít; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT; máy phát điện có công suất đảm bảo hoạt động các thiết bị trên tàu. Ngoài ra, tàu cũng cần phải sơn trắng toàn tàu đảm bảo thẩm mỹ trong thời gian hoạt động. Hiện, toàn bộ đội tàu du lịch 16 chiếc của công ty đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước và xử lý nước thải sinh hoạt, đáp ứng các tiêu chí khắt khe bảo vệ môi trường vịnh di sản.
Người dân tham gia dọn rác tại bãi tắm Trà Cổ, TP. Móng Cái.
Không chỉ các tàu du lịch, tại các hang động, điểm tham quan, khu vực từ bến cập tàu, trên đường dẫn khách tham quan được bố trí thùng rác có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ. Rác thải trên bờ hay rác trên mặt nước được nhân viên vệ sinh thu gom thường xuyên và vận chuyển ra ngoài đầu bến vào cuối ngày để đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển về bờ xử lý. Nước thải được thu gom vào hệ thống bể chứa tự hoại...
Không chỉ vịnh Hạ Long, để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa trên địa bàn, huyện Cô Tô đã thí điểm xây dựng huyện đảo không rác thải nhựa từ ngày 1/9/2022. Theo đó, địa phương này yêu cầu du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại Cô Tô. Đây là một trong những hoạt động tích cực của chính quyền và người dân nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh đẹp về Cô Tô trong mắt du khách, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường gắn với sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới của vịnh Hạ Long, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực quản lý và phát triển du lịch bền vững của Quảng Ninh. Cùng với đó, ngành du lịch cũng mong các ngành, địa phương trong tỉnh đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, những giải pháp quản lý phù hợp; chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án phát triển du lịch; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Hoàng Quỳnh