Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) cho biết: Thời gian gần đây, nhiều loài chim, cò hợp thành đàn quần tụ về Vườn quốc gia U Minh Hạ trú ngụ, sinh sản và phát triển với số lượng khá lớn. Cụ thể là các loài: chích cồ, còng cọc, vạc, điên điển, le le, cúm núm, chàng bè, sếu đen... và rất nhiều loài cò như: cò trắng, cò xanh, cò đỏ, cò hương... và dơi quạ.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau. Những phân khu chức năng ở đây, đặc biệt là khu bảo tồn đa dạng sinh học được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế sự tác động của con người, tạo nên môi trường bền vững và lý tưởng cho nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm sinh sống, phát triển bầy đàn. Vườn Quốc gia U Minh Hạ lập phương án bảo vệ nghiêm ngặt động, thực vật hiện có; tập trung lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt động vật hoang dã và phòng chống cháy rừng mùa khô. Trên lâm phần này, động vật hiện có 79 loài bao gồm 32 loài thú thuộc 13 họ trong 8 bộ; có 74 loài chim, 11 loài lưỡng cư và 36 loài bò sát. Trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học như nai, heo rừng, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn… Đặc biệt có một số loài đã được ghi trong sách Đỏ của Việt Nam và thế giới như: tê tê, rùa nắp, rùa răng, trăn mốc, rắn hổ mang, rắn mai gầm, giang sen, hạc cổ trắng, mèo ri, rái cá, mèo cá, tắc kè… Ngoài ra, còn có nguồn lợi cá đồng và mật ong rất lớn.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286 ha và hơn 25.000 ha vùng đệm nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (U Minh) và Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời), với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động, thực vật quý,... phục vụ nghiên cứu khoa học lâm sinh, tham quan và phát triển du lịch sinh thái.