Ngày 20/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, WWF – Việt Nam và các đối tác cùng khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển ĐBSCL"
Dự án này được tài trợ bởi Quỹ UBS Optimus Foundation (UBS OF) từ tháng 02/2022 đến tháng 08/2025. Dự án có hai hợp phần chính cải thiện sinh kế cho cộng đồng nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn để hạn chế rủi ro phá rừng và cải thiện sản xuất mô hình luân canh tôm – lúa; tăng cường quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp thông qua một loạt hoạt động can thiệp từ khuyến nghị chính sách cho tới hoạt động cụ thể tại địa bàn nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng.
Theo ông Lê Hoài Phương – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau): “Những năm gần đây, nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đã khiến năng suất nuôi trồng thủy sản giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con. Đây là dự án quan trọng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy hoạch và định hướng phát triển chung của địa phương. Thông qua các hoạt động tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, áp dụng thực hành các giải pháp thuận tự nhiên, chúng tôi hy vọng có thể nâng cao giá trị thương phẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng, ổn định sinh kế cho người dân”.
Rừng ngập mặn tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau – nơi triển khai dự án.
Còn ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tâm lý ngại đổi mới, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên còn nhiều nên chỉ tập trung vào doanh nghiệp và Hợp tác xã. Nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển kinh tế nông dân Bạc Liêu. Do vậy, sự tham gia của WWF là vô cùng cần thiết và Bạc Liêu rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết và hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Được biết, tại Cà Mau, dự án sẽ thực hành cải tiến mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, hạn chế phá rừng, tăng cường việc quản lý, bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn. Còn tại Bạc Liêu, dự án tập trung vào mô hình sản xuất luân canh tôm – lúa, hỗ trợ các phương pháp thực hành tốt hơn.
Mô hình nuôi trồng kết hợp tôm – rừng ngập mặn và luân canh tôm – lúa là hai hình thức sản xuất nông nghiệp lâu đời của ĐBSCL. Tuy nhiên, từ những năm 2000, lợi nhuận cao từ thị trường tôm đã khiến phần lớn người dân các vùng ven biển chuyển đổi diện tích chuyên canh lúa, tôm – lúa sang nuôi chuyên canh tôm nước lợ. Sự phát triển quá nhanh cả về diện tích và mức độ thâm canh, trong bối cảnh hạn chế hiện nay đã dẫn đến các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, gia tăng nhiễm mặn và thoái hóa đất, gia tăng rủi ro bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, mô hình tôm – rừng tuy ngày càng được nhân rộng, nhưng do thực hành quản lý không bền vững khiến chất lượng nước bị suy giảm, điều kiện thời tiết thay đổi và cạn kiệt nguồn thức ăn tự nhiên dẫn đến năng suất canh tác thấp, thu nhập của người nuôi tôm giảm sút, từ đó kéo theo vấn nạn phá rừng để mở rộng diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản ngày càng gia tăng.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân tại ĐBSCL.
Được xem là phương thức canh tác có tính tuần hoàn, bền vững, xét trên cả các khía cạnh hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, các biện pháp canh tác dựa vào tự nhiên như tôm – rừng, tôm – lúa hiện nay được mở rộng phát triển ở nhiều địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Đây cũng chính là mô hình được Bộ NNPTNT đánh giá có khả năng mở rộng trong tương lai, trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) và xâm nhập mặn gia tăng.
Ông Văn Ngọc Thịnh – CEO WWF Việt Nam chia sẻ: “Dự án mong muốn có thể tăng 120-150% năng suất tôm nuôi và nâng cao giá trị thương mại con tôm thông qua áp dụng các giải pháp thực hành sản xuất tốt hơn (BMP), hướng đến các chứng nhận quốc tế như ASC hoặc hữu cơ, đồng thời trồng mới thêm 60 ha diện tích rừng phòng hộ cũng như áp dụng quản lý rừng dựa vào cộng đồng bền vững cho gần 3.000 ha ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại, WWF đang triển khai 4 dự án với hơn 25 tỷ đồng, riêng năm 2022 có 2 dự án đang cải thiện và dự án này hết sức thiết thực, giúp địa phương nâng cao cải thiện môi trường và sinh kế của người dân. Hy vọng có nhiều dự án mới đến với Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung.
“Hơn 77.000 héc ta rừng ngập mặn hiện nay tại ĐBSCL chính là đồng minh trong cuộc chiến chống BĐKH. Các giải pháp dựa vào tự nhiên như tôm – rừng và tôm – lúa là các phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giúp các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và tiếp tục cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho con người tại Cà Mau và Bạc Liêu. WWF luôn đồng hành cùng người dân tại khu vực ĐBSCL thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên, tăng cường năng lực chống chịu với BĐKH của cộng đồng và hệ sinh thái” – Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng, WWF-Việt Nam, chia sẻ.
Huy Diệu – Bình An