Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có thế mạnh là bờ biển dài với nhiều bãi biển trong xanh, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ kỳ vĩ, hệ sinh thái biển đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển, đảo.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ năm 2000 đến nay, 28 tỉnh, thành phố khu vực miền trung có địa lý giáp biển đã đóng góp hơn 70% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Một kết quả quan trọng khác mà du lịch biển đã mang lại là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Không chỉ nâng cao đời sống, ngành du lịch biển đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân ven biển, bám biển, bám làng để bảo vệ môi trường. Việc khai thác và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch biển góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển.
Theo các chuyên gia, du lịch biển, đảo phát triển mạnh mẽ đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương. Để phát triển du lịch, cần nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và giữ gìn vệ sinh môi trường; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng; các khách sạn lớn phải có phương án thu gom nước mưa, tái chế, lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ du khách; xây dựng đảo bé thành đảo du lịch sạch, không carbon.
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)
Thừa Thiên Huế là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển đảo, tuy nhiên thực tế địa phương này còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn manh mún, hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền thành phố triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, giảm tính cạnh tranh vì vậy chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế lớn cũng như các nhà đầu tư có thương hiệu đến với vùng biển của tỉnh. Do đó, Thừa Thiên Huế cần quy hoạch mới cho du lịch biển đảo. Trong quy hoạch, cần phân định rõ khu vực cần thu hút nhà đầu tư với những dịch vụ có chất lượng cao; khu vực dành cho cộng đồng, với các dịch vụ bình dân. Trong quy hoạch cần lưu ý tình trạng khai thác quá mức vì lợi ích trước mắt, dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ đe dọa đến sự phát triển của các hệ sinh thái cảnh quan vùng biển đảo.
Để phát triển hiệu quả, bền vững du lịch biển đảo, các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch theo hướng phát triển du lịch với trọng tâm là biển, đảo để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Kết nối mở rộng không gian du lịch biển, đường thủy nội địa giữa các địa phương trong và ngoài khu vực.
Thái Huy