Sáng ngày 20/12, tại farmstay Bảo Nguyên Xanh thuộc xã Hướng Tân, UBND huyện Hướng Hóa phối hợp Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) tại Huế tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Phân viện trưởng Phân viện VHNTQG tại Huế, Tiến sĩ Trần Đình Hằng tham dự.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Lê Trường
Hướng Hóa là huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, địa hình núi rừng đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không gian lễ hội đặc sắc phong phú của các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; đặc biệt, 2 năm trở lại đây, Hướng Hóa trở thành trung tâm năng lượng điện gió của tỉnh, đây là những “tiềm năng đặc biệt” cho du lịch cộng đồng, tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đời sống văn hóa địa phương.
Xác định tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng, gồm: du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và cộng đồng - làng nghề, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã khảo sát, đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.
Trên địa bàn Hướng Hóa có nhiều mô hình du lịch homestay, farmstay được triển khai thí điểm đem lại hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch.
Năm 2019, Hướng Hóa đón trên 20.000 lượt khách, trong đó có trên 9.000 lượt khách nước ngoài. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, các điểm du lịch đón trên 120.000 lượt khách, tăng gấp 6 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan, việc khai thác, phát triển ngành du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; công tác tuyên truyền, quảng bá còn thiếu chuyên nghiệp; mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng dân tộc thiểu số còn ít; việc xây dựng và kết nối các tour, tuyến với các tỉnh lân cận còn hạn chế…
Tại hội thảo, thông qua một số mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh hiện đang hoạt động hiệu quả được đại diện Phân viện VHNTQG tại Huế giới thiệu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa ngày càng phát triển bền vững.
Trong đó, có ý kiến cho rằng, Hướng Hóa nên xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cộng đồng cho từng giai đoạn cụ thể; cần tập trung phát triển các điểm du lịch gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mang tính “bản địa” của địa phương; quan tâm vấn đề xử lý môi trường, bảo vệ nguyên trạng cảnh quan tự nhiên tại các điểm du lịch khi khai thác; tăng cường công tác quảng bá, truyền thông du lịch địa phương…
Phát biểu tại hội thảo, Phân viện trưởng Phân viện VHNTQG tại Huế, Tiến sĩ Trần Đình Hằng cho rằng, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Hướng Hóa cần tranh thủ tư vấn của các nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia du lịch để xây dựng các phương án phát triển chi tiết với định hướng lâu dài, không nên nóng vội.
Cần tạo cơ chế, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình du lịch tại địa phương; phát triển du lịch cộng đồng phải gắn liền lợi ích của cư dân bản địa thông qua sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp.
Lê Trường