Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong số ít địa phương có nhiều sản phẩm OCOP khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Sản phẩm OCOP Điện Bàn đã tạo thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: V.L
Triển khai từ năm 2018, đến nay Chương trình OCOP Điện Bàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến năm 2022, Điện Bàn có 24 sản phẩm của 17 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, hầu hết thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thực phẩm chế biến.
Một số sản phẩm OCOP như nước măng tây xanh Gò Nổi (Điện Quang), bột ngũ cốc Hương Bột (Vĩnh Điện), nước mắm Hà Quảng (Điện Dương), gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong)... dần tạo chỗ đứng trên thị trường với số lượng tiêu thụ lớn.
Vài năm gần đây, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Điện Bàn đã không còn xa lạ với người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Bà Lê Thị Hương - chủ Cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột chia sẻ, từ khi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao (năm 2019), lượng hàng tiêu thụ khá mạnh, bình quân mỗi tháng doanh số bán ra đạt 100 - 150 triệu đồng, thị trường tiêu thụ hầu như cả nước.
Sản phẩm OCOP Điện Bàn đã tạo thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: V.L
Rất nhiều cơ chế, chính sách dành cho phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông thôn đã được các cấp, ngành của tỉnh và thị xã Điện Bàn ban hành, hướng dẫn nhằm phát triển sản phẩm nông thôn theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm thế mạnh theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn khẳng định, Chương trình OCOP không chỉ khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh phát triển sản phẩm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn giúp gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từng bước đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường…
“Ngoài hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình OCOP (xác định ý tưởng, xây dựng mẫu phiếu, xây dựng phương án và triển khai phương án kinh doanh vào thực tiễn từng đơn vị...), việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chủ thể, sản phẩm cũng được đơn vị triển khai thường xuyên, từ đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, xây dựng thương hiệu…
Qua đó, giúp xây dựng sản phẩm không chỉ có hình thức đẹp mà còn đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng” - ông Chơi nói.
Khánh Linh