Ở rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) hiện có nhiều động vật hoang dã quí hiếm xuất hiện, trong đó đáng chú ý nhất là lợn rừng - loài động vật quí hiếm nhưng đã bị "mất tích" hàng chục năm qua.
Sự xuất hiện trở lại của nhiều loài động vật hoang dã như lợn rừng, chồn đèn, chồn cáo cộc, rắn hổ đất, kì đà, cá sấu… cùng với hàng trăm loài động vật hiện hữu càng làm phong phú thêm hệ động thực vật của khu rừng tràm này.
Nhiều bà con nông dân thường xuyên sinh sống trong rừng cho biết, ngay trên đường giao thông bê tông tráng nhựa họ vẫn thấy heo rừng xuất hiện, kiếm thức ăn vào ban đêm, khi thấy bóng người qua lại mới tháo chạy vào rừng.
Cà Mau là tỉnh đặc thù hiếm thấy trên thế giới, cùng một địa phương nhưng có 2 khu vực rừng ở hai vùng đất mặn và ngọt rõ ràng.
Cây đước, cây mắm phát triển ven biển, vùng nước mặn quanh năm. Hiện nay diện tích rừng ngập mặn còn khoảng 70.000ha, tập trung ở các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Rừng tràm U Minh Hạ tổng diện tích 80.000ha, có 38.000ha đất có rừng; tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, riêng rừng Quốc gia U Minh Hạ diện tích gần 10.000ha.
Nhiều loài động vật hoang dã xuất hiện tại đây cho thấy bước tiến trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên thời gian gần đây ở Cà Mau. Rừng hiện đang trở thành môi trường lý tưởng cho các loài động vật hoang dã quí hiếm sinh sôi, phát triển.