Thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) không chỉ nổi tiếng với di tích Dinh Cô linh thiêng mà còn sở hữu một bờ biển đẹp được đánh giá là một trong những bờ biển đẹp của Việt Nam. Nhưng đến với Long Hải, du khách về thường mang theo chút nỗi niềm trăn trở.
Bờ biển ngập rác rưởi
Đi dọc bờ biển Long Hải trong cái nắng ban trưa, gió từ trùng xa tạt vào rát cả mặt. Nhìn từng con sóng dập dìu đẩy những vỏ xốp, bao bì, vỏ trái chôm chôm, xác cá, cua, ghẹ dạt vào bờ mà cảm giác nhờn nhợn dưới chân…
Phía trên bãi cát, những người buôn gánh nướng cá, ốc, mực khói lên nghi ngút, nhem nhép bụi tro.
Mỗi con sóng đánh vào bờ, để lại trên cát những lớp bọt biển có mùi tanh hôi. Tiến thêm khoảng 100 mét nữa theo chiều dài bờ biển, rải rác trên bãi cát là những con cá chết phơi bụng trắng phếu, rồi đến những con cua, ghẹ chết trong tư thế… bị buộc bằng cộng thun bó chặt 2 càng vào bụng. Tôi hỏi một anh thợ chụp hình: “Sao cua, ghẹ chết nhiều thế? Mà sao lại bị buộc cộng thun thế này?”, anh thợ chụp hình bảo đó là những con cua ghẹ chết thối. Những người bán hàng rong hải sản không nướng được nên quẳng ra biển. Còn người bán hàng rong hải sản thì bảo rằng đó là những con cua ghẹ mà chủ tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi, rồi dùng cộng thun buộc lại, chẳng may bị rơi ra khỏi thuyền rồi lênh đênh trên biển dạt vào bờ. Khách du lịch và người tắm biển… hưởng trọn.
Tôi hỏi: “Sau không thấy người nào dọn vệ sinh nhỉ?”. Anh chụp hình bảo: “Có chứ, các chị lao công vẫn dọn thường xuyên”. Nhưng từ 14h trưa đến 18h chiều, tôi cũng không thấy nhân viên nào đi gom rác bãi biển.
Lang thang mãi dưới sóng biển cũng chán, tôi lặn lội đội nắng đi trên bờ cát trắng. Tôi đọc một bảng niêm yết giá hải sản, ghế thuê dịch vụ. Bên cạnh là một bảng nội quy của biển, có chỉ dẫn nơi tháp cao, cờ chữ thập là nơi cấp cứu khẩn cấp nếu có sự cố. Mỏi mắt nhìn quanh, tôi cũng nhận thấy cái được tạm gọi là “trạm y tế”. Nơi đây có chức năng sơ cứu những người không may bị nạn. Một chòi gỗ theo hình tháp cao, bên trên là lá cờ trắng có hình chữ thập đỏ tung bay trong gió. Thế nhưng, 15h vẫn không thấy người nào có chức năng leo lên đó trông coi mà chỉ có những chị hàng rong dựng xe đạp hóng mát. Tôi cứ nghĩ trưa nắng, ít người tắm biển nên nhân viên y tế cũng không cần ra làm gì. Thế nhưng, đến 18h khi biển đông người, “chòi” y tế bằng gỗ “gầy guộc” đang gồng mình để cho những du khách hiếu kỳ leo lên lắc lư mà không hề nghĩ đến tai họa đang rình rập.
Biển Long Hải được đánh giá là một trong những bờ biển đẹp của Việt Nam, thế nhưng trên bãi cát còn có những chòi “nhà lá” xơ xác, trông vẻ hoang sơ. Phía trong nữa là khu nhà vệ sinh, nhà tắm nước ngọt. Thế nhưng, cửa nhà vệ sinh lại bị chặn bằng một tấm lưới sắt như “lạnh lùng” với những du khách đang trong tình trạng…. “mắc kẹt”.
Có lẽ, chủ đầu tư khu này đã không còn thầu khu vực này để kinh doanh nữa nên mới có sự “hoang vu” này?
Còn nhiều trăn trở
Tôi lang thang trên con đường dưới chân khu di tích Dinh Cô. Thấy những người dân đang bán hàng rong, mực, tôm, cá khô… trước cổng vào của khu Đoàn an điều dưỡng 298, tôi lấy máy hình ra chụp. Những tiểu thương nơi đây xầm xì. Một bà lão ngồi quạt bếp than nướng mực, nói với lên: “Con ơi, con chụp kỷ niệm thì chụp. Đừng chụp đăng báo thì bà con nơi đây không biết sống bằng nghề gì nữa con ơi!”. Tôi nhìn lên một tán cây bàng, có tấm biển đỏ, đề: “Cấm buôn bán”. Tôi lặng lẽ cất máy ghi hình.
Khu vực này, nhiều người bán hàng cũng biết “phận” nên nép sát lề đường. Thế nhưng, cũng không ít gian hàng lưu động đẩy xe xuống lòng đường. Đặc biệt, cánh xe ôm thì ngang nhiên đậu xe dưới lòng đường chiếm cả lối đi.
Khu di tích Dinh Cô được người dân nơi đây kể lại rằng đó là nơi thờ phụng để tưởng nhớ đến Cô - người con gái đã khai sinh ra vùng đất này. Dinh Cô rất linh thiêng. Xung quanh Dinh, cũng không ít kẻ bán nhang, bán vé số, ăn xin… Nhưng không như những nơi khác, người bán vé số, ăn xin không chèo kéo du khách. Nhưng ánh mắt những mảnh đời này vẫn có chút gì đó của sự thiết tha, cần sự giúp đỡ.
Nơi góc cổng phía Tây của Dinh Cô, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người mẹ đội chiếc nón lá rách, nhưng vẫn dành để che nắng cho cậu con trai hở hàm ếch đáng thương của mình. Bên cạnh là chú bé bán vé số vẫn ngồi đếm từng đồng tiền lẻ và cụ bà ngồi nhìn từng dòng người cứ thế bước qua…
Trở về từ bãi biển đẹp Long Hải, nghe lòng còn nhiều trăn trở, băn khoăn.