Đắk Lắk lập khu bảo tồn loài thông nước

Cập nhật: 06/07/2009
Tỉnh Đắk Lắk đã thành lập hai khu bảo tồn loài thông nước, gồm khu bảo tồn rộng 49ha ở xã Ea Ral (huyện Ea H’Leo) và khu Trấp K’Sor (huyện Krông Năng) có diện tích 61,6ha. Đắk Lắk cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi đây là các khu vực “bảo tàng sống” của loài cây nằm trong nhóm thực vật cực kỳ quý hiếm này.

Tỉnh đã đầu tư vốn đắp đập giữ nước, tạo điều kiện cho loài cây thông nước sống và phát triển; đồng thời làm đường vành đai, hàng rào, phân công cán bộ kiểm lâm túc trực 24/24 giờ để bảo vệ tốt loài cây quý hiếm này.

Ngoài ra, tỉnh cũng giao địa phương và lực lượng kiểm lâm quản lý một số cá thể cây thông nước sống rải rác ở huyện Krông Búk.

Thông nước (còn gọi là thủy tùng, có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis), chủ yếu mọc ở các vùng đầm lầy, thuộc nhóm 1A - nhóm thực vật rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, loài thông nước này trên thế giới chỉ tồn tại ở một số xã của các huyện Ea H’Leo, Krông Năng và rải rác trên địa bàn huyện Krông Búk  Chính phủ đã có Nghị định 32 nghiêm cấm khai thác, sử dụng loài cây cực kỳ quý hiếm này.
 
Trong những ngày vừa qua, do có tin đồn rằng thông nước chữa được bách bệnh, nhất là bệnh ung thư , hàng ngày có hàng trăm người đổ về các địa phương trên để tìm kiếm, khai thác trái phép loài cây quý hiếm này.

Các chủ kinh doanh đồ gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết giá thu mua gỗ thông nước rất cao, một m3 gỗ cây này có giá từ 100 triệu đồng trở lên. Một cặp lộc bình có chiều cao 1,6 m, đường kính 45-50cm cũng có giá từ 60 triệu đồng trở lên. Chính vì vậy, người người đổ xô đi săn lùng cây thông nước.
  
Cũng tại các huyện trên, lực lượng chức năng quản lý bảo vệ rừng đang cố gắng bảo vệ, ngăn chặn nạn chặt trộm cây thông nước của “đội quân” đi săn lùng cây thông nước tại các đập nước, vùng sình lầy trên địa bàn.

 

 

Nguồn: TTXVN